Nước vịnh Hạ Long chuyển sang màu đỏ đục sau cơn mưa sáng 25/8/2017. Ảnh: Văn Đức/TTXVN |
Chính vì vậy, muốn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới để phát huy các giá trị này phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội thì công tác bảo vệ môi trường phải được chú trọng, quan tâm hàng đầu.
Bài 1: Chất lượng nước môi trường tại Vịnh Hạ Long-thách thức và giải pháp Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam được hai lần UNESCO công nhận là niềm tự hào của Việt Nam và cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn bậc nhất tại Việt Nam. Năm 2017, số lượng khách du lịch tới Quảng Ninh là 9,87 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm 2016; với trên 4,28 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23%. Du lịch đem lại doanh thu ước đạt 17.885 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2016. Để phục vụ lượng khách lớn này, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cả trên bờ và dưới vịnh được phát triển mạnh. Tới giữa năm 2017, Thành phố Hạ Long có khoảng 12.000 phòng nghỉ, trên 80 khách sạn từ 1-5 sao; 512 tàu du lịch (trong đó có 195 tàu nghỉ đêm).
Nguy cơ quá tải Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban thường trực Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, việc được công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới đã giúp du lịch Vịnh Hạ Long tăng tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh nhưng cũng tạo ra nhiều sức ép. Đó là sức ép về môi trường, về phát triển kinh tế-xã hội, du lịch. Vịnh Hạ Long không phải chỉ có du lịch mà còn có nhiều hoạt động kinh tế khác cùng khai thác như đường vận tải đi cắt qua Vịnh, vận chuyển hàng hóa từ cảng Cái Lân sang Cảng Hải Phòng và đi các cảng khác. Trên Vịnh có các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản. Bờ biển ven Vịnh Hạ Long là một loạt các đô thị đang phát triển: Hạ Long, Cát Bà, Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả đều đang xây dựng rất nhiều, tạo ra sức ép chung, vì vậy cần có giải pháp tổng thể và mang tính chất liên ngành nhằm giải quyết được vấn đề của Vịnh.
Hiện Vịnh Hạ Long đang nổi cộm một số vấn đề, trong đó số lượng du khách và dịch vụ du lịch phát triển nhanh đang dẫn đến nguy cơ quá tải; vấn đề ô nhiễm môi trường và tính toàn vẹn của di sản đang bị đe dọa. Trước nguy cơ quá tải, tỉnh Quảng Ninh đã 3 năm nay không cho phép đóng tàu mới khai thác du lịch, nếu không cấm thì nguy cơ sẽ lên mấy nghìn chiếc tàu, chứ không phải chỉ dừng ở 500 - 600 tàu như thời điểm hiện tại. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai dự án đánh giá sức tải (sức tải của điểm, của tuyến và toàn Vịnh) để có giải pháp quản lý.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Với Vịnh Hạ Long, chúng ta tự hào vì có một Khu di sản được UNESCO vinh danh 2 lần với hai tiêu chí khác nhau về giá trị nổi bật toàn cầu. Nhưng Vịnh Hạ Long cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức vô cùng to lớn trong hoạt động bảo tồn cũng như quản lý, đáng kể là thách thức về khả năng ô nhiễm môi trường thiên nhiên. Cụ thể là mâu thuẫn giữa quy mô rộng lớn của Khu di sản (438 km2 gồm 788 hòn đảo lớn nhỏ) với khả năng quản lý và khai thác của con người trên vùng biển Vịnh Hạ Long; mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch với yêu cầu có nguyên tắc bất di bất dịch phải bảo vệ tính toàn vẹn, nguyên trạng và môi trường thiên nhiên trong lành; mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch”.
“Xử lý nước thải là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, nhiều nơi khác nhau, nhiều nguồn thải khác nhau trong đó có nước thải từ khai thác than, đánh cá, khách sạn nhà hàng và từ các tàu du lịch, xử lý rác thải. Do vấn đề này rất phức tạp liên quan đến quá nhiều bên nên rất cần sự chung tay hành động. Nếu chỉ đơn phương hành động sẽ không đạt được hiệu quả”, ông Brunner, Quyền trưởng đại diện IUCN Việt Nam nhấn mạnh.
Cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể Thành phố Hạ Long cần có giải pháp bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long. Ảnh: Văn Đức/TTXVN |
Theo ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, để nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường nước và đưa Vịnh Hạ Long trở thành khu vực trọng điểm về công tác quản lý môi trường, phát triển du lịch bền vững cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể. Trước mắt, cần hoàn thiện khung pháp lý và thể chế như tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch quản lý di sản Vịnh Hạ Long; chủ động xây dựng Quy chế phổi hợp quản lý Vịnh giữa các đơn vị trực thuộc ban và các phòng, ban, đơn vị của thành phố Hạ Long; triển khai các giải pháp trong Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chủ động kịp thời tham mưu đề xuất ban hành những cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý Di sản nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long.
Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ Di sản như xây dựng, phát hành những ấn phẩm (tờ rơi, tài liệu, băng đĩa hình, trang web Vịnh Hạ Long…); phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể như đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi…trong tuyên truyền bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long cũng như giám sát thực hiện công tác bảo vệ môi trường; thường xuyên thực hiện các đợt tuyên truyền ra quân thu gom rác thải ven bờ và trên mặt nước; tiếp tục triển khai thực hiện giáo dục bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Đồng thời, thành phố Hạ Long cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ mới và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Theo đó, chú trọng ửng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải trên Vịnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, giảm thiếu chất thải đặc biệt là nước thải từ các hoạt động kinh tế - xã hội trên và ven bờ Vịnh….
Ngoài ra, thành phố Hạ Long cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện các điều kiện về môi trường trong đó sẽ tiếp tục thực hiện quan trắc và phân tích hiện trạng chất lượng môi trường nước Vịnh Hạ Long theo định kỳ 1 lần/quý; tăng cường thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát thực tế việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm phát hiện và ngăn chặn các nguồn thải từ các khu dân cư và từ các hoạt động kinh tế - xã hội có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường nước Vịnh Hạ Long…
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban thường trực Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nhấn mạnh rằng, thời gian tới để đảm bảo 100% rác thải tại các điểm tham quan được thu gom triêt để rác thải trôi nổi cần sự phối hợp thường xuyên của các sở ban ngành liên quan để thanh kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm xả nước thải sinh hoạt, nước thải kinh doanh từ tàu du lịch chưa qua xử lý tại khu vực ven bờ và trên Vịnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận hành và sử dụng các thiết bị phân ly dầu nước trên các tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, chủ động phối hợp với đơn vị có chức năng có liên quan triển khai phương án phòng chống ứng phó sự cố tràn dầu trên Vịnh; đẩy mạnh nghiên cứu các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, mở rộng tuyến du lịch xuống khu vực Vịnh Bái Tử Long, triển khai phương án giãn tuyến, phân tải khách tại các tuyến, điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long nhằm giảm áp lực lên chất lượng môi trường tại khu vực vùng lõi di sản.
Bài 2-Bảo vệ môi trường biển Hạ Long: Cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư