Nhà sáng chế trẻ và máy nông nghiệp “8 trong 1”

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thuần nông, anh Tạ Đình Huy ở thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) sớm hiểu được những nhọc nhằn của người thân trong gia đình và bà con nông dân.


 Sau nhiều năm ấp ủ ý định làm “một cái gì đó” giúp đỡ bà con giảm bớt gánh nặng công việc đồng áng, anh Tạ Đình Huy đã nghiên cứu và sáng chế thành công máy nông nghiệp đa năng mi ni. Ngay lập tức, máy nông nghiệp đa năng được bà con nông dân cả nước đón nhận, sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tạ Đình Huy bên sản phẩm máy nông nghiệp đa năng mi ni.

Lần đầu gặp, không ai nghĩ một người trẻ như anh lại là chủ nhân của một sáng chế khoa học có giá trị. Trong câu chuyện với khách, anh cởi mở kể về cơ duyên đến với sản phẩm máy nông nghiệp đa năng. Tạ Đình Huy chia sẻ: Trước đây, anh có nguyện vọng được học trường Mỹ thuật công nghiệp. Nhưng sau khi học hết cấp ba thì bố mất sớm mà gia đình lại chỉ có hai anh em, sợ không thể theo nổi, vì vậy anh đã học nghề sửa chữa xe máy để mưu sinh.

“Vì hiểu rất rõ những công việc thường ngày của bà con nên tôi muốn tạo ra một sản phẩm làm được tất cả những công việc đồng áng. Sau nhiều ngày mày mò, nghiên cứu tôi đã sáng chế ra chiếc máy với tám chức năng trong một, làm được gần hết các công việc nhà nông của bà con” - Tạ Đình Huy bộc bạch.
Ấp ủ ước mơ từ một vài năm trước, anh Huy định hình những việc cần làm, nghiên cứu ngày đêm trên sách vở để đưa ra nguyên lý cơ bản. Việc nghiên cứu của anh Huy chủ yếu là tham khảo sách cơ khí, sách khoa học. Sau khi hoàn thành được nguyên lý cơ bản, anh cắt từng thanh sắt để tạo ra sản phẩm. Vì nghiên cứu, thiết kế máy, anh không còn thời gian cho công việc chính nên người thân của anh phàn nàn rất nhiều. Hàng xóm thì cho rằng anh viển vông. Anh Huy vẫn không nản lòng, quyết tâm làm bằng được. Với sự thông minh vốn có cùng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh chỉ mất hai tháng để hoàn thành. Năm 2005, sản phẩm máy nông nghiệp đa năng mi ni lần đầu tiên ra đời, khi Tạ Đình Huy vừa tròn 23 tuổi.

Máy được sáng chế từ chính động cơ xe máy, từ những phế liệu bỏ đi. Anh muốn dùng những vật liệu thực tế quanh người nông dân để họ dễ sử dụng, hỏng hóc dễ sửa chữa, dễ kiếm, dễ tìm. Đặc biệt, máy này tích hợp được tất cả các công việc của nhà nông với các chức năng: Cày, bừa, hót luống, phay đất, phun thuốc bảo vệ, bơm tát nước, tời kéo nông lâm sản. Khi hoạt động, máy có thể làm đến mười việc ví dụ như phay có thể dọn cỏ luôn. Khi đưa máy ra đồng thử nghiệm, thành công đạt được ngoài mong muốn.

Lúc mới chế tạo, anh Huy thử nghiệm cả 7 chức năng cùng lúc. Các chức năng đa số là thành công, anh chỉ phải chỉnh sửa một ít về hình thức. Sau đó anh thiết kế thêm một chức năng khác là rạch hàng gieo hạt, tạo thành máy 8 trong 1.

Chiếc máy nhỏ gọn với đầy đủ công dụng, cùng một sào ruộng máy có thể cày gấp năm lần con trâu và gấp mười lần sức người. Đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của bà con, để mua một cái máy là phải bán thóc, bán lúa cho nên anh luôn trăn trở, suy nghĩ tính toán đưa ra một giải pháp để giảm giá thành tối đa. Giá trị của máy anh chỉ tính bằng ngày công của người thợ và bản thân anh cũng như một người công nhân. Nếu để phục vụ đầy đủ tất cả các công việc ngoài đồng, bà con phải mua 6 - 7 máy mất khoảng 30 triệu - 40 triệu đồng nhưng để mua một máy đủ 8 chức năng này thì bà con chỉ mất 13 triệu - 14 triệu đồng, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Thêm nữa độ bền của máy rất cao (trên 5 năm với mức độ làm liên tục) và bà con có thể tự bảo dưỡng tại nhà vì chiếc máy này rất đơn giản, những phụ kiện hoàn toàn gần gũi với bà con.

Nguyên tắc của anh là sáng chế một máy cái chưa có chức năng nào, sau đó bà con muốn mua bao nhiêu chức năng thì chỉ cần lắp vào là có thể hoạt động. Máy cái có các đầu, khớp nối định vị sẵn để lắp các chức năng vào. Trọng lượng của máy đa năng là từ 80 kg - 85 kg, ít chức năng hơn thì chỉ khoảng 40 kg - 45 kg.

Không uổng công sức và thời gian nghiên cứu vất vả, anh Huy và sản phẩm máy nông nghiệp đa năng mi ni đã đạt được giải Nhất chương trình “Nhà sáng chế” số 30 trên VTV2 năm 2014. Ngày chưa đi thi chương trình “Nhà sáng chế”, sản phẩm của anh chủ yếu chỉ phục vụ bà con quanh làng. Sau cuộc thi, số lượng sản phẩm bán ra tăng lên rất nhiều. Trong vòng 10 năm anh đã bán được trên 800 chiếc. Trước đây một tháng anh mới làm ra được một sản phẩm nhưng bây giờ chỉ cần một ngày là sản phẩm được hoàn thiện chỉ với năm công nhân. Hầu như ngày nào anh cũng đón khách hàng từ nơi xa đến. Tuy nhiên có rất nhiều người thấy anh trên truyền hình, họ muốn tìm đến anh để mua hàng nhưng lại không biết cách liên lạc.

Anh cho biết: “Sau khi bán ra thị trường, bà con đưa vào sử dụng thì chưa có phản hồi gì về trục trặc của máy. Chỉ có một số nơi đất mềm, lún quá, không thích hợp với chức năng cày thì bà con phản ánh lại và anh đưa ra giải pháp”.

Hiện nay, máy đã được chỉnh sửa đến lần thứ 4 tên là AH - 04. Với niềm đam mê của mình, anh Huy vẫn muốn tích hợp nhiều chức năng khác nữa vào máy và muốn thiết kế những kiểu dáng phù hợp với từng địa hình của bà con để chỗ nào máy cũng có thể làm được.

Hôm xuống xưởng chế tạo máy nông nghiệp đa năng của Tạ Đình Huy, chúng tôi gặp nhóm khách ở Vĩnh Phúc xuống tìm hiểu để mua máy. Ông Nguyễn Trung Sẽ ở tại thôn Trung Nguyên, xã Thượng Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vùng đất quê ông là đất pha cát với nghề làm nông là chính. Nơi đó, nhiều ruộng diện tích nhỏ phù hợp chiếc máy nông nghiệp nhỏ gọn, vì vậy ông muốn sang tận xưởng của anh Huy để tìm hiểu rõ hơn công dụng của máy, mua về phục vụ cho gia đình sau đó giới thiệu cho nông dân trong vùng. “Vùng quê của bác rất cần những chiếc máy nhiều công dụng và giá thành hợp lý như chiếc máy nông nghiệp đa năng của Huy” - Bác khẳng định.

Chia tay Tạ Đình Huy, chúng tôi nhận ra rằng, sự sáng tạo và thành công bắt nguồn từ niềm đam mê, từ những nhu cầu cuộc sống. Tạ Đình Huy và sản phẩm máy nông nghiệp đa năng mi ni của anh là một ví dụ.
Bài và ảnh: Huyền Trang
Người sáng chế máy gọt vỏ sắn tự động ở Tây Nguyên
Người sáng chế máy gọt vỏ sắn tự động ở Tây Nguyên

Ông Nguyễn Linh ở thị trấn Chư Ty (huyện biên giới Đức Cơ, Gia Lai), qua bao năm tìm tòi nghiên cứu đã cho ra đời thành công máy gọt vỏ củ sắn (mì) tự động với nhiều công năng hữu dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN