Người thầy thuốc nặng lòng với đảo xa

29 năm xa gia đình gắn bó với đảo xa, người thầy thuốc quê lúa Thái Bình - bác sĩ Bùi Đình Lĩnh luôn được bà con khắp đảo Phú Quý (Bình Thuận) yêu thương. Suốt trong khoảng thời gian ấy, BS Lĩnh không những là người đồng hành, mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho ngư dân mà còn làm thay đổi suy nghĩ của bà con về y tế theo hướng tích cực hơn.

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, BS Bùi Đình Lĩnh vào Thuận Hải nay là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận công tác để đem những kiến thức chuyên môn phục vụ bà con. Năm 1986, BS Lĩnh được Sở Y tế tỉnh Thuận Hải phân công ra đảo Phú Quý công tác. Những tưởng chỉ công tác ba năm nhưng những tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây đã níu kéo BS gắn bó với Bệnh viện huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) gần cả cuộc đời…

Huyện đảo Phú Quý những năm tháng ấy thiếu thốn nhiều thứ. Trên đất liền khó một, nơi đầu sóng ngọn gió như đảo Phú Quý, thiếu thốn càng nhân lên gấp bội. Đường xá trên đảo chỉ là những lối đi nhỏ, bốn bề toàn cát trắng. Người dân đảo đa số sinh sống bằng nghề biển, lao động nặng nhọc, vất vả nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, vì vậy chuyện đau ốm thường xuyên xảy ra. Trong trí nhớ những người làm việc tại đảo, Bệnh viện Phú Quý không hơn gì một bệnh xá xã bây giờ. Khu đất rộng hoang sơ với ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 300 m2, trong đó một dãy cho điều trị, một nơi làm chỗ ở cho y bác sĩ, nhân viên. Máy móc chẳng có gì ngoài những dụng cụ khám thông thường như: ống nghe, nhiệt kế, dụng cụ khám tai, mũi, họng…

Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh khám bệnh cho người dân trên đảo. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Máy móc thiếu thốn, BS chủ yếu khám lâm sàng chứ không có điều kiện xét nghiệm để đưa ra kết luận bệnh nhanh và chính xác. Vì khám lâm sàng, dựa vào kinh nghiệm nên BS phải cẩn trọng, có những ca nghi vấn ruột thừa, BS Lĩnh phải khám đi khám lại nhiều lần mới dám đưa ra kết luận. BS phải chăm chút tới từng biểu hiện nhỏ nhất trên cơ thể bệnh nhân, theo dõi kĩ càng các triệu chứng, cân nhắc các khả năng phát bệnh để không bỏ sót một nguy cơ nhỏ nào.

Triết lí giản dị “lương y như từ mẫu” hướng tất cả sự ân cần vào người bệnh xem ra phát huy tác dụng triệt để trong điều kiện thiếu thốn máy móc, phương tiện trên đảo những năm đầu sau đổi mới. Thương bà con trên đảo hiền lành, thiệt thòi mọi bề, BS Lĩnh nhiều đêm trăn trở. Câu hỏi lởn vởn trong đầu theo ông nhiều nhất là làm sao để bệnh viện trên đảo không phải đầu hàng với những ca bệnh nặng. Ngày đó, những trường hợp bệnh nặng được chuyển tàu thuyền vào thành phố Phan Thiết để chạy chữa, cấp cứu. Khoảng cách 56 hải lý (khoảng 120 km) là cả ngày tàu lênh đênh trên biển, vào đến đất liền, nhiều khi bệnh tình nguy kịch hơn, chẳng thể cứu chữa được nữa.

Chị Phạm Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phú Quý cho biết: “Ngày trước, bà con trên đảo không tin bệnh đau ruột thừa thì có thể mổ và chữa khỏi bằng phẫu thuật. Ngư dân đi biển đánh bắt xa bờ về có khi chết ngay trên ghe vì đau ruột thừa. Họ bảo đó là “bị cò mồi bắt” chỉ để người bệnh ở nhà và mời thầy đến cúng tế, không đưa đến bệnh viện bao giờ.

Điện trên đảo lúc ấy chưa có, phải dùng đèn măng-xông. Cán bộ, nhân viên cũng chưa có kinh nghiệm với ca phẫu thuật nào. Với tất cả những thách thức đó, BS Lĩnh thực hiện ca mổ đầu tiên năm 1987. BS Lĩnh nhớ lại: “Một phụ nữ từ xã Long Hải được chuyển đến trong tình trạng đau bụng quằn quại đã mấy ngày liền, sau mấy ngày mời thầy về cúng nhưng không khỏi. Thời điểm đó đang mùa gió bấc mạnh cấp 6 nên không thuyền gỗ nào dám mạo hiểm đưa bệnh nhân vào đất liền, nguy cơ mất mạng trên biển là điều khó tránh khỏi”.

Trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” BS Lĩnh quyết định mổ. Đèn măng-xông được huy động tối đa cho ca mổ, bàn mổ cũng là bàn sinh duy nhất trong bệnh viện bấy giờ. BS Lĩnh vừa là bác sĩ phẫu thuật vừa tự tay chuẩn bị bàn mổ, hấp dụng cụ. BS Lĩnh hướng dẫn tỉ mỉ cho những người tham gia từng bước nhỏ của quá trình phẫu thuật, gây mê. Thuốc, vật dụng y tế thiếu thốn nên bác sĩ tiến hành biện pháp gây mê tĩnh mạch. Với sự thành công của ca mổ đầu tiên, người phụ nữ được cứu sống trong gang tấc. Đó cũng là lúc ngư dân trên đảo tin rằng ruột thừa chữa trị được bằng phẫu thuật.

Những mạng người trên đảo được cứu sống trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo như thế. Ông Nguyễn Khánh, ngư dân xã Ngũ Phụng tâm sự: “Người đi biển vật lộn với sóng gió, cận kề cái chết là chuyện thường xuyên, lại còn ở trên đảo xa, mạng sống mong manh lắm. Ngày trước, mỗi khi gió bấc, chưa có bệnh viện, chưa có BS ở đây, bà con toàn chết vì những bệnh trong đất liền có thể mổ và cứu được. Ở đảo, trước BS Lĩnh chưa ai mổ được. Chính BS Lĩnh đã mang về cuộc sống thứ hai cho nhiều ngư dân”.

Hết ba năm sinh sống và làm việc trên đảo, BS Lĩnh định xin vào đất liền để tiện chăm sóc cho gia đình có cha mẹ già, một vợ và hai con nhỏ vẫn đang ở Thái Bình. Sở Y tế đã duyệt quyết định. Thế mà quyết định ấy chẳng có sức nặng bằng bức tâm thư hơn 10 trang giấy gửi từ đảo Phú Quý. Hết ba năm công tác đầu tiên, khi ông được phép về lại đất liền cũng chính là lúc nhiều người được ông cứu chữa viết những lá thư xin ông đừng rời hòn đảo. Chính những tấm lòng nồng hậu của người dân đã giữ BS ở lại, bền bỉ như có một sợi dây neo bền chặt giữ ông lại với đảo xa.

Bao nhiêu năm xa gia đình nhỏ, chỉ kịp về thăm mỗi năm một lần vào dịp Tết, nỗi niềm đè nặng tâm tư bấy lâu là BS đã không tròn trách nhiệm với gia đình. Hai con đã trưởng thành mà thiếu sự dìu dắt cận kề của người cha. Cha mẹ già một tay vợ BS phụng dưỡng. Những nhọc nhằn gia đình đã không ở bên để chia sẻ cùng người vợ giàu đức hy sinh. Cuộc sống của BS mấy mươi năm qua, trọn vẹn dành cho nơi này, chăm chút cho sức khỏe bà con ở một hải đảo xa xôi. BS Lĩnh đã nghĩ suy và đắn đo nhiều nỗi. Nhưng những lá thư dạt dào tình cảm của người dân đảo đã dẹp tan những dao động… Cuối cùng BS Bùi Đình Lĩnh ở lại với đảo gần 30 năm.

Gần 30 năm, nhiều người đến đảo công tác rồi ra đi... từ một thanh niên mang bao hăm hở đến với đảo xa nay mái tóc vị BS 58 tuổi đã điểm nhiều sợi bạc. BS Lĩnh đi cùng với bệnh viện từ những ngày còn lụp xụp, vài người, cho đến nay đã là một bệnh viện khang trang với 100 giường bệnh và hơn 50 cán bộ nhân viên. Ông chứng kiến từng thay đổi, bước ngoặt của bệnh viện, từng sự kiện nhỏ như chiếc bàn mổ đầu tiên được mua lại từ một cơ sở ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Ông quen thuộc đến từng ngóc ngách bệnh viện, bởi đây như là nhà từ bao năm nay. Thời gian trôi đi, BS Lĩnh già đi, bệnh viện cũ rồi mọc lên mới, khang trang. Chỉ có niềm yêu nghề và tình thương với đảo đậm sâu trong tim và dày lên theo năm tháng.

Nguyễn Thanh
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp mặt thân mật đại biểu Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam chiều 6/1, tại Nhà Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN