Người lao động lo lắng
Đó là ý kiến được đưa ra trao đổi tại Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội.
Hầu hết các doanh nghiệp, người lao động đều băn khoăn, chưa đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Bà Phạm Hải Hà, Chủ tịch công đoàn công ty linh kiện điện tử MEI (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Vừa qua, công ty chúng tôi đã tiến hành khảo sát ý kiến của hơn 400 người lao động, đại diện các bộ phận về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi và nam 62 tuổi chỉ có 7 người đồng ý, trong đó có 2 nhân viên khối văn phòng. Điều này cho thấy nguyện vọng của người lao động là chưa đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Công việc sản xuất bảng vi mạch điện tử, yêu cầu độ chính xác cao, phần lớn người lao động trong công ty là lao động trực tiếp; sử dụng mắt và chân tay với tần suất lớn, thậm chí công việc phải đứng gần như 100% trong ca làm. Đặc thù công việc này có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe công nhân, do đó người lao động cao tuổi sẽ khó đạt chất lượng công việc”.
Cũng theo bà Phạm Hải Hà, thống kê của công ty cho thấy, hầu như những người lao động tại công ty đều nghỉ dưới 45 tuổi, mới chỉ có 1 người khối gián tiếp nghỉ đúng tuổi quy định. Trong khi đó, công ty lại không thuộc đối tượng lao động độc hại, nguy hiểm để được ưu tiên về chế độ nghỉ hưu cho người lao động.
Cùng chung lo lắng của người lao động, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên băn khoăn: “Với công việc như dệt may, công nhân phải ngồi may 8 tiếng/ngày rất nhanh lão hóa xương khớp, lão hóa mắt nên độ tuổi lao động kéo dài sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Chúng tôi đề nghị các cơ quan làm luật xem xét việc nếu cứ kéo dài thời gian lao động thì liệu người lao động có theo được không, trong khi lương của khối sản xuất trực tiếp không cao, nếu về hưu sớm sẽ được hưởng mức lương hưu rất thấp, không thể đảm bảo cuộc sống”.
Đến nay, việc lấy ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu vẫn gặp nhiều ý kiến trái chiều của người lao động, nhất là người lao động trong khối sản xuất trực tiếp. Họ lo lắng về việc suy giảm khả năng lao động, không đủ điều kiện sức khỏe để theo đuổi công việc nếu tăng tuổi nghỉ hưu. Thậm chí việc kéo dài tuổi lao động còn được cho là không phù hợp với một số công việc đặc thù như giáo viên mầm non.
“Nhiều giáo viên mầm non đang lo ngại sẽ phải tăng tuổi nghỉ hưu bởi tính chất công việc thiên về chăm sóc các cháu nhỏ. Đặc biệt, sau 55 tuổi, các cô giáo không thể còn khả năng múa đẹp, hát hay, nhanh nhạy trong cập nhật các phương pháp giáo dục mới... Vì thế các cơ quan cần linh hoạt trong điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu với đối tượng này cho phù hợp”, cô Đinh Bích Hà, Phó hiệu trưởng trường mẫu giáo Việt Triều Hữu nghị chia sẻ.
Cần linh hoạt với từng đối tượng
Trước những băn khoăn của các đơn vị, người lao động, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự linh hoạt trong điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu. Bởi việc điều chỉnh là cần thiết để cân bằng lực lượng lao động trong tương lai và đây là việc phải làm ngay. Nếu chờ đến khi hiện tượng già hóa dân số diễn ra mới điều chỉnh thì sẽ phải làm rất nhanh, dễ gây xáo trộn trong xã hội. Việc giải quyết cần một lộ trình chậm.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phải được thống nhất trong Bộ Luật lao động. Việc điều chỉnh cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp... không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới... Đặc biệt là cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.
Theo đó, cân nhắc xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, người lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động đến thị trường lao động.
“Chỉ nên tăng tuổi hưu khi sắp kết thúc giai đoạn cơ cấu dân số vàng, cụ thể theo tính toán có thể vào giai đoạn 2035- 2037. Bên cạnh đó, chỉ nên áp dụng việc tăng tuổi hưu theo dự kiến vào khối hành chính sự nghiệp, chưa thể áp dụng vào khối sản xuất kinh doanh do điều kiện, môi trường làm việc khác nhau. Đặc biệt khối hành chính sự nghiệp không nên phân biệt nam- nữ, nên tăng lên cùng 62 tuổi”, ông Đặng Quang Điều, nguyên Trưởng ban Chính sách kinh tế- xã hội và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất.