Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.138 người mắc (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 6 người tử vong. Dư luận rất lo ngại về các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian gần đây. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn hoặc xử lý nghiêm các cơ sở quán ăn tự phát hoặc những đối tượng cố tình lưu hành thực phẩm “bẩn”, thưa luật sư?
Việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nghi liên quan đến việc dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại nhiều địa phương thời gian qua, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi khẩn trương phải có giải pháp ngăn chặn.
Tuy nhiên, trên thực tế, khó quản lý và xử phạt những cơ sở, quán ăn tự phát. Mặc dù pháp luật đã có những quy định về việc xử phạt vi phạm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, xong do giá trị hàng hóa của những cơ sở này không lớn, nên khi bị xử phạt, chủ kinh doanh thường lấy lý do khó khăn về kinh tế. Trong khi đó, Tổ kiểm tra liên ngành cũng hay có tâm lý nể nang, chưa kể các cơ sở kinh doanh đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra. Bên cạnh đó còn do lực lượng chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương mỏng, chưa đáp ứng để yêu cầu…
Để ngăn chặn, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường tuyên truyền để người kinh doanh, người tiêu dùng tự nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chú trọng tăng cường lực lượng chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã/phường để có thể thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhiều quán ăn, nhà hàng hiện nay chọn mua nguồn nguyên liệu chế biến khó chứng minh được nguồn gốc, vì nếu mua nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn, giá thành sẽ đội lên? Quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Đây là thực trạng dễ nhận thấy, diễn ra phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu mở rộng thí điểm các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố “sạch”, như có biện pháp hỗ trợ, trợ giá cho người kinh doanh; tuyên truyền mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để nâng cao ý thức, giữ được đạo đức trong kinh doanh.
Với cơ sở bánh mỳ Băng, chủ cửa hàng bánh mỳ đã phải thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân. UBND TP Long Khánh vừa chuyển hồ sơ sự việc qua Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý. Vậy, chủ cơ sở bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm sẽ bị xử lý thế nào, thưa Luật sư?
Theo quy định pháp luật, việc bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm cho người khác ngoài bị xử lý hành chính, còn có thể bị xử lý hình sự tùy theo tính chất nguy hiểm, hậu quả để lại của hành vi và có các mức hình phạt khác nhau.
Theo khoản 6, khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018, được sửa đổi bổ sung bởi điểm đ, điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP, chủ cơ sở kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 - 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1 - 4 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…
Phạt tiền từ 80.000.000 - 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… Mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức gấp 2 lần so với phạt áp dụng với cá nhân nêu trên.
Nếu đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” với mức hình phạt tù cao nhất lên tới 20 năm tù. Ngoài hình phạt chính là phạt tù, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, tùy theo mức độ nguy hiểm và hậu quả để lại.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế:
Không kiểm soát được chất lượng thực phẩm, không truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kinh doanh chưa được cấp phép... đang là lỗ hổng lớn dẫn đến người kinh doanh vì lợi nhuận bỏ qua công tác đảm bảo ATTP, đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vào bữa ăn, dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm.