Sáng 26/9, tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang, hàng chục ngư dân tập trung khẩn trương neo đậu, gia cố các trụ giữ tàu thuyền, thu cất ngư lưới cụ.
Cột chặt nhiều dây neo vào các trụ bê tông lớn, ngư dân Trần Văn Bình ở xã Phú Hải cho biết, sau khi có thông tin về diễn biến của cơn bão số 4, ông cùng các bạn tàu nhanh chóng cho tàu di chuyển vào bờ; đồng thời buộc lại dây neo thật kỹ để phương tiện đánh bắt không bị cuốn trôi hoặc sóng lớn đánh chìm gây hư hỏng nặng; kiểm tra và trùm bạt kín các máy móc, thiết bị trên tàu.
Khẩn trương thu dọn ngư lưới cụ, ngư dân Trần Văn Việt, thị trấn Thuận An, thành phố Huế chia sẻ, cơn bão số 4 được dự báo có cường độ mạnh so với các cơn bão trong nhiều năm trở lại đây nên người dân không chủ quan mà đã khẩn trương di chuyển tàu, thuyền vào bờ để đảm bảo an toàn, chủ động phòng, chống bão. Với sự hỗ trợ của lực lượng Biên phòng, ngư dân được sắp xếp chỗ đậu tàu, thuyền an toàn, gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng sẵn sàng trước khi bão đến.
Tại khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão Phú Hải, hiện có 111 tàu, thuyền đến neo đậu. Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn; hướng dẫn ngư dân chằng chống, gia cố kỹ tàu thuyền vào các phao và các trụ, neo đậu cách bờ đê 5m; bố trí các đệm lốp xe cao su bên mạn tàu thuyền để phòng, chống va đập giữa các tàu khi có gió lớn giật mạnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2.062 phương tiện, với 11.350 lao động hoạt động khai thác trên biển. Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Quang Nhất cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh đã được kêu gọi vào bờ. Ban quản lý cảng cá cũng hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu, thuyền để đảm bảo an toàn và tránh va trôi khi có sóng lớn xảy ra. Đặc biệt, trong thời gian bão tới, Ban quản lý cảng cá sẽ kiên quyết không để các ngư dân ở lại trên tàu, thuyền để đảm bảo an toàn tính mạng.
Trong ngày 26/9, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân đội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường lực lượng xuống các khu vực xung yếu hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, làm các bao cát để gia cố những nhà lợp mái tôn; chuẩn bị cơ sở hạ tầng sẵn sàng di chuyển người dân đến nơi tránh trú an toàn trước thời gian bão đổ bộ vào đất liền.
Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đã chuẩn bị 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền. Các địa phương trong tỉnh cũng có nguồn dự trữ riêng để chủ động phân phát tới người dân khi cần thiết.
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh, Văn phòng Nông lương thế giới (FAO) tại Việt Nam cũng vừa hỗ trợ 300 thùng nhựa đựng nước với dung tích 220 lít/thùng cho các hộ gia đình tại 3 xã Quảng Thái, Quảng Phú (huyện Quảng Điền) và xã Hương Xuân (thị xã Hương Trà) để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương đã ban hành công điện yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Theo đó, các đơn vị hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; tổ chức ứng trực tại cơ quan, đơn vị 24/24 giờ kể từ 17 giờ ngày 26/9; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; căn cứ diễn biến và dự báo bão, chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở…