Lan tỏa ý thức trách nhiệm xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; đảm bảo 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ… Mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ban hành văn bản về hỗ trợ chăm lo thương binh, bệnh binh tối thiểu 2 triệu đồng/người/tháng; giao các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp, phấn đấu duy trì đến hết năm 2030…
Theo Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương hiện có hơn 52.400 liệt sỹ và 4.600 thân nhân liệt sỹ hưởng chế độ tuất theo quy định; gần 27.600 thương binh, trong đó có 13.000 thương binh hưởng trợ cấp hằng tháng, hơn 1.700 thương binh nặng (tỷ lệ thương tật từ 61-80%) và trên 100 thương binh đặc biệt nặng (tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên).
“Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công đã vượt lên tổn thương, mất mát, đau đớn về thể xác; kiên cường, nỗ lực cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập…. Do vậy, chủ trương vận động hỗ trợ ngoài chế độ chính sách của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh rất có ý nghĩa với những người đã có công với đất nước là nghĩa cử cao đẹp”.
Chia sẻ các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn" của thế hệ trẻ, anh Ngô Minh Hải, Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các hoạt động được lồng ghép, gắn kết trong nhiều chương trình hành động như: Chiến dịch Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh, trong cao điểm tháng 7 kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7)... Nổi bật là hoạt động về nguồn, thắp nến tri ân anh hùng, liệt sỹ, vận động nguồn lực xã hội xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; trao tặng học bổng cho con, em gia đình thương binh, liệt sỹ. Cùng với đó là thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, có công cách mạng, con liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn; phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sỹ…
Trải qua thực tiễn các hoạt động Đoàn, Hội, công dân trẻ tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh Mai Hải Yến cho đây là dịp để thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được học tập, tiếp cận, tìm hiểu lịch sử Việt Nam, về truyền thống vẻ vang của Đảng, về truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ cha anh; để hiểu sâu sắc hơn giá trị to lớn của độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc. Qua đó, thế hệ trẻ rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, để từ đó tiếp tục gìn giữ, phát triển và mãi khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi phát các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào thiện nguyện thu hút sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công đã và đang được Thành phố thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực.
Nhiều phong trào thiện nguyện, ý thức trách nhiệm xã hội cũng xuất hiện ở đa dạng các chương trình, cách làm hiệu quả như: Mái ấm tình thương; Tấm vé nghĩa tình cho công nhân xa quê; Tiếp sức người lao động; Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ; Hoa phượng đỏ; Mùa hè xanh; Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp; Nông dân khá giúp đỡ nông dân nghèo; Tết làm điều hay vì nông dân nghèo; vì nụ cười trẻ thơ... Cùng với đó, là các hoạt động hiến máu nhân đạo, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn cho người khuyết tật, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, triển khai bữa cơm dinh dưỡng cho người già neo đơn, trợ giúp gia đình nạn nhân chất độc da cam...
“Tuy có nhiều tên gọi khác nhau, song tất cả đều có chung điểm là hoạt động nghĩa tình và thu hút được các giới, ngành, cấp và nhân dân hưởng ứng. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Thành phố nghĩa hiệp, hết lòng giúp đỡ người nghèo, tri ân công lao của những người đã cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước”, ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
Để phụng dưỡng trở thành nét đẹp văn hóa
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh những cống hiến to lớn của họ đối với đất nước. Làm tốt chính sách đối với người có công không chỉ góp phần vào sự ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống người có công, gia đình người có công mà còn thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Tại Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc tổ chức về nguồn, đền ơn đáp nghĩa, việc phụng dưỡng 4 Mẹ Việt Nam anh hùng là hoạt động thường niên được thực hiện từ trước năm 2000.
Bà Đặng Thị Mỹ Ly, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty cho biết, định kỳ hằng tháng, lãnh đạo Tổng Công ty, Công đoàn và Đoàn thanh niên đến thăm hỏi tình hình sức khỏe, chăm sóc tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Suê (ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn); mẹ Bùi Thị Tám (ở Ấp Chợ Cũ, xã An Nhơn, huyện Củ Chi); mẹ Nguyễn Thị Lai và Lê Thị Ánh (ngụ ở Quận 6).
“Đặc biệt, trong nhiều lần đến thăm các Mẹ còn có nhiều học sinh là con của người lao động. Tại đây, các con có những trải nghiệm về lịch sử và truyền thống dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sỹ”, bà Đặng Thị Mỹ Ly chia sẻ.
Có nhiều năm gắn bó với các hoạt động phong trào, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng nêu rõ, thời gian qua, Thành phố có nhiều nỗ lực, cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời khẳng định hoạt động này đã thu hút được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt có những người được hưởng chính sách giúp người được hưởng chính sách khác.
Theo ông Phan Văn Mãi, đó là tinh thần đồng chí, đồng đội, tương thân tương ái. "Đây là điểm rất đặc biệt, rất nhân văn trong truyền thống của chúng ta. Những hoạt động này góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các thương binh, bệnh binh, thân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… làm cho cuộc sống chúng ta hạnh phúc hơn, Thành phố văn minh, đáng sống hơn”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cả hệ thống chính trị của Thành phố vào cuộc, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ rất nhiều nguồn lực khác nhau, chung sức đồng lòng thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng, thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa”.
Có thể thấy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nhận được sự quan tâm và tham của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của nhân dân Thành phố mang tên Bác.