Nghĩa tình ở Thành phố mang tên Bác - Bài 1: Dấu ấn từ những căn nhà tình nghĩa

Từ nhiều năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Tính hào sảng của con người đất phương Nam và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đậm chất nhân văn của dân tộc đã làm nên Thành phố thắm đượm “nghĩa tình” thể hiện qua hoạt động gần gũi, đa dạng, hiệu quả. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài về hoạt động ý nghĩa này tại thành phố mang tên Bác.  

Chú thích ảnh
Bàn giao nhà tình thương và tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Văn Tường, phường 28, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Bài 1: Dấu ấn từ những căn nhà tình nghĩa

Với sự sáng tạo, năng động, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi xuất phát của nhiều chính sách, phong trào thi đua “Đền ơn đáp nghĩa” có ý nghĩa. Trong đó có chương trình xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công và gần đây là các hoạt động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc", “Góp đá xây Trường Sa"… Những hoạt động này đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng khắp cả nước, thể hiện hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng xã hội…

Xây hàng ngàn ngôi nhà tặng gia đình chính sách

Ngay sau khi đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ... Những năm 1979 - 1985, cùng với những khó khăn của cả nước, các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh chật vật, lo toan cuộc sống, điều kiện sinh hoạt, nơi ở còn nhiều hạn hẹp.

Hồi ký của nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ năm 1982 cũng ghi rõ những trăn trở của lãnh đạo Thành phố trước khi đi đến thống nhất chủ trương huy động nguồn lực để hỗ trợ người nghèo, các gia đình chính sách, thương bệnh binh gặp khó. Từ đây, vùng đất thép Anh hùng huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh khởi nguồn phong trào xây nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Miền ở  xã Trung Lập Thượng và An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) vẫn nhớ ngày đó Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi đã vận động kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay xây tặng nhà tình nghĩa. Công ty Sửa chữa nhà (Sở Nhà đất Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) xây dựng căn nhà tình nghĩa đầu tiên trao tặng gia đình thương binh nặng Đào Văn Của (ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi).

Riêng xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi được nhiều người biết đến bởi tại thời điểm đó, chính quyền và nhân dân không chỉ tăng gia sản xuất ổn định đời sống mà còn luôn quan tâm đến đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho hộ gia đình chính sách nghèo. Căn nhà tình nghĩa đầu tiên của xã được trao tặng cho Mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Sẽ, ở ấp Sa Nhỏ; căn nhà tình thương đầu tiên được tặng cho hộ bà Phạm Thị Một, ở ấp Lào Táo Thượng vào năm 1985. Từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều hộ gia đình chính sách, người có công tại xã Trung Lập Thượng đã nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, niềm vui rộn ràng cả thôn xóm.

Nhớ lại ngày ấy, ông Nông Văn Hồng, Hội viên Hội Cựu chiến binh xã Trung Lập Thượng từ chiến trường Campuchia xuất ngũ trở về địa phương lập gia đình sinh sống trong căn nhà tranh tre tạm bợ do cuộc sống quá khó khăn. Chứng kiến hoàn cảnh vất vả của ông, Trại chăn nuôi cá sấu Tồn Phát, Mặt trận Tổ quốc xã đã xây tặng căn nhà tình thương giúp vợ chồng ông bớt nỗi lo. “Có được căn nhà này, vợ chồng tôi yên tâm, vừa làm ruộng vừa chăn nuôi bò, chi tiêu tiết kiệm, tích góp dần nên thoát nghèo. Con cái học hành đỗ đạt và đã có công ăn việc làm ổn định”, ông Hồng không giấu được xúc động chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tránh, thương binh 1/4 ở ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng cũng được chính quyền và nhân dân quan tâm xây tặng căn nhà tình nghĩa. “Khó khăn đã lâu, nay có căn nhà mới khang trang, gia đình tôi mừng lắm. Có căn nhà mới là có thêm điều kiện làm ăn sinh sống ổn định hơn. Con cái ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định, thật sự không gì hạnh phúc bằng”, ông Nguyễn Văn Tránh chia sẻ.

Không riêng gì gia đình ông Hồng, ông Tránh mà có không ít hộ ở các xã khác tại huyện Củ Chi đã thoát được cảnh nghèo khó từ niềm vui khi được trao tặng nhà tình nghĩa, tình thương. Từ đó, họ quyết tâm làm ăn để có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hạnh phúc hơn...

Đến cuối năm 1998, huyện Củ Chi cơ bản giải quyết vấn đề nhà ở cho gia đình chính sách và đến nay đã vận động xây tặng hơn 4.000 căn nhà tình nghĩa cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Vui Tết trong căn nhà mới

Trong những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, hằng năm đều dành ngân sách rất lớn chăm lo gia đình chính sách, người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh. Các hoạt động này đã và đang giải quyết các nhu cầu cấp thiết, ngày càng tiệm cận với đời sống xã hội, đặc biệt là không để hộ gia đình chính sách trong diện cận nghèo…

Trải qua nhiều năm gắn bó với phong trào, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Nghĩa tình Thành phố đã và đang được Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, cấp ngành, cơ quan, doanh nghiệp phát huy thực hiện. Do vậy, chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” đang thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị và người nhân dân tham gia.

Theo ông Ngô Thanh Sơn, ngay tại lễ phát động chương trình xóa nhà tạm, dột nát, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký ủng hộ hơn 25 tỷ đồng; Liên đoàn Lao động Thành phố đăng ký thực hiện 96 căn; hệ thống Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện thành phố Thủ Đức cũng khởi công xây dựng 16 căn tại quận Bình Thạnh, Quận 8 và huyện Củ Chi. “Đặc biệt, ngay trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 4 đợt bàn giao nhà tại Quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; nhiều địa phương như Quận 6, 8 cũng đã bàn giao nhiều căn nhà để người dân kịp vui xuân, đón Tết… ”, ông Ngô Thanh Sơn chia sẻ.

Đón nhận, bàn giao nhà trong dịp này, không ít người đã xúc động, rơm rớm nước mắt, vui mừng bởi nhiều năm nay căn nhà chỉ được chắp, chưa được trùng tu, sửa chữa lớn do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bà Nguyễn Ngọc Ánh (đường Hưng Phú, Quận 8) rất vui mừng bởi gần 30 năm qua phải chịu cảnh mưa dột, triều cường ngập, nhưng do tuổi lớn, hoàn cảnh neo đơn nên việc sửa chữa nhà rất khó. Nay đón Tết trong căn nhà mới ấm áp, khang trang giúp bà an tâm tuổi già, ổn định cuộc sống.

Cùng hoàn cảnh, vợ chồng ông Lê Văn Na, ngụ ở Quận 6 dù đã nhiều lần tu bổ nhưng căn nhà vẫn xuống cấp, hư hỏng nhiều nơi do đã sử dụng nhiều năm. Nay được Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” quận hỗ trợ 48 triệu đồng, gia đình ông cố gắng vay mượn thêm để cải tạo, sửa chữa một lần cho chắc chắn. Việc sửa chữa được hoàn thành trước Tết, gia đình ông Na rất phấn khởi. “An cư, lạc nghiệp. Căn nhà mới sẽ là động lực để gia đình chúng tôi tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện cuộc sống… ”, ông Lê Văn Na chia sẻ và không quên cám ơn chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 323 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở có nhu cầu cải tạo, xây dựng mới. Theo đó, Thành phố đã và đang nỗ lực huy động, vận động toàn bộ nguồn lực tập trung thực hiện thành công mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/4/2025 trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, xã hội và người dân.

Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sẻ chia và trách nhiệm xã hội của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân. “Thành công của phong trào góp phần nâng cao đời sống của các hộ dân, mà còn tạo nên những khu phố ngày càng khang trang, văn minh, thể hiện sự đổi mới và phát triển của Thành phố”, ông Ngô Thanh Sơn khẳng định.

Bài cuối: Nét đẹp văn hóa và tinh thần yêu nước

Thanh Vũ - Xuân Khu
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, 77 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN