Thành cổ Quảng Trị là nơi gắn với trận chiến khốc liệt suốt 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972. Chưa đầy 4 km2 nhưng phải hứng chịu 328.000 tấn bom, hơn 1.200.000 viên đạn pháo các loại và trên 2.000 lượt máy bay bắn phá. Trong cuộc chiến đấu bi hùng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh.
Địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
Tháng 7, cựu chiến binh Phạm Hồng Cam (72 tuổi) ở tỉnh Thừa Thiên - Huế lại đến thăm đồng đội còn nằm lại ở Thành cổ Quảng Trị. Mùa hè năm 1972 ông làm nhiệm vụ trinh sát trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nhớ đồng đội năm xưa cùng chung chiến hào, ông rưng rưng đọc mấy dòng thơ: Tháng 7 về còn nhớ kỷ niệm xưa/Dòng Thạch Hãn nước hòa trong máu đỏ/Bao đồng đội nằm lại nơi Thành Cổ/Cầu Hiền Lương chia nỗi nhớ hai đầu.
Cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 500m về phía Bắc là dòng sông Thạch Hãn - nơi được coi là “nghĩa trang không nấm mồ” với hàng nghìn liệt sỹ đã nằm xuống khi tuổi đời mới chỉ mười chín đôi mươi. Dòng sông Thạch Hãn là chứng nhân của hàng nghìn chuyến đò từ bờ Bắc đưa bộ đội ta vượt sông vào chốt giữ Thành cổ. Bởi vậy bất cứ ai đến dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ và tri ân cũng nhắn gửi: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi hòa sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Sau 46 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã và đang ngày đêm chăm sóc gần 60.000 phần mộ liệt sỹ yên nghỉ ở 72 nghĩa trang; trong đó có Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nằm trên khu đồi Bến Tắt thuộc huyện Gio Linh là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.200 anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 nằm bên Quốc lộ 9 đoạn qua Phường 4, thành phố Đông Hà, có hơn 10.800 phần mộ là con em các tỉnh, thành phố trong cả nước hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, phía Tây dãy Trường Sơn trong giai đoạn 1954 - 1975 và làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Bên cạnh đó là những địa danh ghi đậm dấu ấn trong chiến tranh vệ quốc như: Tà Cơn, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Làng Vây… hiện đã được đầu tư tôn tạo trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống yêu nước và khai thác phục vụ du lịch.
Vào dịp lễ, Tết, người dân Quảng Trị sắp xếp thời gian cùng đến dâng hương, dâng hoa, làm vệ sinh sạch sẽ, tươm tất phần mộ các liệt sỹ. Tỉnh Quảng Trị cũng huy động xã hội hóa xây dựng, tôn tạo các nghĩa trang thêm tôn nghiêm, sạch sẽ. Những phần mộ luôn được quan tâm chăm sóc chu đáo, ấm áp, giúp thân nhân liệt sỹ cảm thấy an yên.
Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ năm nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang phải ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Do đó, Ban Quản lý nghĩa trang và đón tiếp thân nhân liệt sỹ tỉnh Quảng Trị cũng chú trọng bảo đảm công tác phòng, chống dịch khi tổ chức hoạt động thăm viếng nghĩa trang. Người dân đến viếng đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn. Lực lượng trực tiếp phục vụ tiếp đón thân nhân liệt sỹ, các đoàn đến thăm viếng nghĩa trang đều đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn, đeo tấm chắn chống giọt bắn.
Tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Mùa tri ân trên vùng “đất lửa” Quảng Trị không chỉ tưởng nhớ những người con đã không tiếc xương máu vì hòa bình, độc lập và tự do của Tổ quốc trong các cuộc kháng chiến, mà còn tri ân tưởng nhớ những liệt sỹ hy sinh ngay trong thời bình khi bảo vệ tính mạng và giúp đỡ nhân dân.
Rạng sáng 18/10/2020, tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa, đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khiến 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hy sinh. Các cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ lịch sử. Đại tá Nguyễn Đức Thạo, Chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 cho biết, nhà tưởng niệm 22 liệt sỹ hy sinh khi giúp dân khắc phục mưa lũ đã hoàn thành dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7. Đây là công trình rất thiết thực và ý nghĩa để tưởng nhớ công ơn của các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước, phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ.
Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ được Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Trị tổ chức vào đêm 26/7 hằng năm, ở tất cả 72 nghĩa trang luôn gây xúc động mạnh. Vào đêm này, các nghĩa trang đều lung linh những ánh nến tri ân sưởi ấm anh linh các anh hùng liệt sỹ trên mọi miền đất nước đang an giấc ngàn thu trên vùng “đất lửa” Quảng Trị. Đoàn viên Hồ Thị Hồng Lê ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, sáu năm qua đều tham gia lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, rất xúc động vì góp một phần công sức nhỏ bé tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Tuổi trẻ Quảng Trị còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; trao quà cho con em gia đình chính sách, vận động kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa; tổ chức "Bữa cơm gia đình ấm tình lòng mẹ" tại nhà các Mẹ Việt Nam Anh hùng; dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và chính quyền các cấp đã thăm hỏi, động viên và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách. Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 141.000 người có công với cách mạng. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện việc trợ cấp đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng và thân nhân, tổng số tiền chi trả trên 394 tỷ đồng/năm.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư; đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.