Tình trạng “nghêu tặc” hoành hành cả ngày lẫn đêm khiến các hợp tác xã bị tổn thất kinh tế nặng nề và gây bất ổn an ninh trật tự trên biển.
Đi cùng lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông và Công an huyện Kiên Lương tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển sáng ngày 8/2, mới thấy sự lộng hành, ngang nhiên cào cướp nghêu của các đối tượng “nghêu tặc”.
Tại khu vực bãi giống của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vững Mạnh (xã Bình An) có đến hàng chục phương tiện khai thác thủy sản vào cào nghêu lụa một cách tự nhiên. Thế nhưng, khi phát hiện tàu kiểm ngư tuần tra, kiểm soát ngư trường, những đối tượng này nhanh chóng kéo cào lên, tăng tốc chạy ra ngoài khu vực bãi giống hoặc trở vào bờ neo đậu như không có chuyện gì xảy ra.
Nhiều ghe cào tập trung khai thác nghêu lụa và những loài thủy sản khác vùng ven biển huyện Kiên Lương (Kiên Giang). |
Lực lượng làm nhiệm vụ rất khó bắt quả tang “nghêu tặc” tại hiện trường. Ông Phù Thọ Lập, Phó Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vững Mạnh cho biết, lúc tàu kiểm ngư làm nhiệm vụ trên biển thì bãi nghêu tạm ổn, ít bị các đối tượng xâm hại, cào trộm. Tuy nhiên, khi tàu trở về chưa tới bến thì “nghêu tặc” xuất hiện ngay, ngang nhiên thả cào cướp nghêu.
Đội bảo vệ của hợp tác xã quay phương tiện trở ra nhưng chẳng những không ngăn chặn, đẩy đuổi được các đối tượng mà còn bị chúng đe dọa, uy hiếp, sẵn sàng đánh trả nếu bị bắt giữ. Hợp tác xã gần như bất lực trong việc bảo vệ nguồn lợi kinh tế của mình do phương tiện nhỏ, lực lượng chỉ 5 - 7 người, nhất là trước hành vi phản kháng hết sức manh động của đối tượng có sự tổ chức, liên kết với nhau để cướp nghêu.
Theo Thượng tá Lê Trung Dũng, Trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông, tình hình trên biển Kiên Giang từ năm 2015 đến nay khá phức tạp, nhất là xuất hiện tình trạng tranh chấp ngư trường trong ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản. Trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, khu vực biển Kiên Lương nổi lên vấn nạn đối tượng từ nhiều nơi khác đến xâm hại các bãi giống của các hợp tác xã để cào trộm nghêu lụa khiến xã viên lo lắng và gây bất ổn an ninh trật tự trên biển.
Đơn vị phân công các tổ công tác hỗ trợ hợp tác xã, yêu cầu ngư dân ra khỏi khu vực bãi giống. Tuy nhiên, khi lực lượng biên phòng xuất quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thì họ chạy ra khỏi khu vực và lại tràn vào khai thác trái phép khi lực lượng rút quân, nhất là vào ban đêm.
Để xâm nhập vào các bãi nghêu lụa này, đối tượng lợi dụng đêm tối, lén lút nhổ bỏ hoặc kéo sập cột mốc, tháo bỏ phao tiêu ranh giới của bãi giống nên lực lượng biên phòng gặp khó khăn trong xử lý vi phạm. Hầu hết những đối tượng khi bị bắt giữ phương tiện đều cho rằng không xâm hại bãi nghêu khai thác và yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ chỉ rõ cột mốc, phao tiêu xác định ranh giới bãi giống của các hợp tác ở đâu nên rất khó xử lý.
Thực hiện chủ trương cho thuê, quản lý cộng đồng các bãi giống thủy sản tự nhiên vùng ven bờ và ven biển, tỉnh Kiên Giang cho 6 hợp tác xã thuê, quản lý, bảo vệ, tái tạo và khai thác bãi giống trên ngư trường vùng biển Kiên Lương; trong đó, xã Bình An có 4 hợp tác xã đồng quản lý bãi giống.
Khai thác nghêu lụa trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp trên ngư trường vùng biển huyện Kiên Lương. |
Ông Trịnh Văn Mịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, cho hay được giao bãi giống, các hợp tác xã đầu tư kinh phí làm phao, đóng cọc xác định ranh giới, mua sắm phương tiện, thiết bị máy móc và tổ chức lực lượng bảo vệ. Các bãi giống được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, giảm đáng kể tình trạng đánh bắt ven bờ, ven biển. Do môi trường sống ổn định, nhiều loài thủy sản tập trung về trú ngụ, sinh sản phát triển bầy đàn, tái tạo, khôi phục nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang bị cạn kiệt, suy giảm nghiêm trọng.
Đầu tháng 12/2016, UBND tỉnh Kiên Giang cho phép ngư dân khai thác nghêu, sò trên ngư trường đến tháng 6/2017. Theo đó, nhiều phương tiện khai thác thủy sản tập trung về vùng biển Kiên Lương cào nghêu, sò, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 để thu lợi. Họ khai thác cạn kiệt nguồn nghêu, sò này bên ngoài bãi giống tự nhiên và xâm hại vào bãi giống của các hợp tác xã, vừa gây thiệt hại kinh tế nặng nề, làm biến động môi trường sinh thái vùng biển ven bờ, gây bất ổn an ninh trật tự xã hội trên ngư trường.
Lực lượng bảo vệ của mỗi hợp tác xã chỉ 5 - 7 người, với 2 - 3 phương tiện công suất nhỏ không ngăn được hàng chục, có thời điểm lên đến hàng trăm phương tiện đồng loạt nổ máy, thả cào trong khu vực bãi giống. Cứ thế, chúng hoành hành hết khu vực bãi giống này đến khu vực bãi giống khác cả ngày lẫn đêm.