Vấn nạn “cướp sò, cướp nghêu” đang diễn biến phức tạp trên ngư trường Kiên Giang không những gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho hợp tác xã mà còn làm tổn hại đến môi trường sinh thái ven biển, suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Hợp tác xã Đồng Lợi được ngành chức năng tỉnh Kiên Giang giao quản lý, khai thác bãi giống thủy sản 600 ha ven biển thuộc địa bàn xã Bình Trị (Kiên Lương), với 190 xã viên tham gia. Bãi giống này là nơi trú ngụ sinh sản của nhiều loài tôm, cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhất là loài nghêu lụa có trữ lượng khá lớn. Hằng năm, tỉnh Kiên Giang cho phép khai thác nghêu lụa, sò lông từ tháng 1 đến cuối tháng 5 mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho hợp tác xã và cải thiện đời sống bà con xã viên.
Nhiều ghe cào tập trung khai thác nghêu lụa và những loài thủy sản khác vùng ven biển huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Anh Trần Thanh Tú, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đồng Lợi cho biết, từ khi thành lập hợp tác năm 2013 đến nay, khu vực bãi giống này được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn chặn được tình trạng cào bờ, khai thác đánh bắt mang tính hủy diệt. Nhiều loài thủy sản tập trung về đây sinh sôi, phát triển bầy đàn, đặc biệt là loài nghêu lụa. Hợp tác xã vừa làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ môi trường ven biển, tái tạo phát triển nguồn lợi thủy sản, vừa tạo ra nguồn thu nhập từ khai thác nghêu lụa và một số loài tôm, cá, ghẹ cho bà con xã viên.
Tuy nhiên, mới vào đầu vụ thu hoạch nghêu lụa nhưng tình trạng xâm hại, khai thác trái phép bãi giống của Hợp tác xã Đồng Lợi những ngày qua diễn ra hết sức phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến xấu hơn trong thời gian tới, nhất là vào giai đoạn cao điểm thu hoạch. Hiện nay, vùng ven biển huyện Kiên Lương hằng ngày có từ vài chục đến hàng trăm phương tiện tập trung khai thác nghêu lụa và những loài thủy sản khác.
Cùng chúng tôi ra thực tế vùng biển này, chỉ tay về phía hàng chục phương tiện đang cào nghêu lụa, anh Tú nói: “Họ đang cào nghêu khu vực bên ngoài, nhưng khi cào sạch nghêu ở những bãi này thì họ xâm hại vào khai thác bãi giống của hợp tác xã. Họ tập trung hàng chục phương tiện, đồng loạt nổ máy vào cào, bất chấp sự can ngăn của lực lượng bảo vệ. Điều nguy hại hơn, các đối tượng sử dụng dao, búa, mã tấu, gậy gộc sẵn sàng uy hiếp, hành hung anh em bảo vệ của hợp tác xã khi không có sự hỗ trợ của lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng và công an. Để tránh xảy ra xung đột, chúng tôi nhượng bộ, cầu cứu lực lượng chức năng hỗ trợ và khi các lực lượng này đến thì họ đã rút chạy ra ngoài khu vực bãi giống của hợp tác xã, sẵn sàng chống đối khi bị bắt giữ phương tiện.”
Tình trạng tranh chấp ngư trường đó thường xuyên xảy ra, gây bất ổn an ninh trên biển. Hiện nay, mỗi ngày Hợp tác xã Đồng lợi phải chi phí hơn 3 triệu đồng cho đội bảo vệ túc trực canh giữ bãi giống cả ngày lẫn đêm. Chú Nguyễn Văn Sáu, đội trưởng đội bảo vệ Hợp tác xã Đồng Lợi, cho biết chạy tuần tra, kiểm soát ban đêm rất nguy hiểm. Biết lực lượng của hợp tác xã ít các đối tượng đã uy hiếp, đe dọa và ngang nhiên đưa phương tiện vào cào nghêu. Họ cào 2 - 3 tiếng đồng hồ được 700 - 800 kg nghêu, thu lợi khoảng 10 triệu đồng nên việc xâm hại bãi giống của hợp tác xã để cào nghêu ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là khi khu vực biển bên ngoài hết nghêu sò. Hiện, lượng nghêu sò của hợp tác xã thất thoát mỗi ngày trị giá hàng trăm triệu đồng.
Anh Đinh Văn Kim, xã viên Hợp tác xã Đồng Lợi bức xúc, hiện nay, nghêu lụa còn nhỏ, chưa đủ độ lớn để khai thác, phải canh giữ hơn 1 tháng nữa mới có thể thu hoạch. Anh em xã viên lo ngại nạn cướp nghêu hiện nay rất khó ngăn chặn thì đến lúc thu hoạch chẳng còn được bao nhiêu, công sức, tiền bạc bỏ ra xem như bị mất sạch. Đó còn chưa kể, môi trường sinh thái bãi giống ven biển này bị xâm hại, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị khai thác đánh bắt cạn kiệt.
“Hợp tác xã Đồng lợi đã tổ chức cắm lại cột mốc, xác định ranh giới khu vực biển rõ ràng, dựng bảng cắm, lắp đặt hệ thống đèn biển, củng cố lại đội bảo vệ trực canh 24/24h, kết hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực bãi giống, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và lợi ích kinh tế của bà con xã viên.” - Anh Trần Thanh Tú, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đồng Lợi cho hay.
Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Sở này đã giao Chi cục Thủy sản cấp phép khai thác nghêu lụa, sò lông mùa vụ 2017 cho tàu cá trong tỉnh có trang bị đầy đủ công cụ khai thác và các điều kiện đảm bảo an toàn trên biển. Đối với tàu cá ngoài tỉnh khi khai thác nghêu lụa, sò lông trên vùng biển Kiên Giang phải được sự chấp thuận của Sở.
Cùng với đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể hai mảnh vỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghêu lụa, sò lông theo quy định về giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Đồng thời, kiểm tra điều kiện của các tổ chức, cá nhân khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ phải có giấy phép khai thác thủy sản và phiếu giám sát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các lực lượng hữu quan và huyện Kiên Lương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản, kiềm chế, ngăn chặn không để xảy ra xung đột tranh chấp ngư trường. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra những tàu cá khai thác nghêu lụa, sò lông trái phép, không có giấy phép và xử lý theo quy định.
Bộ đội biên phòng Kiên Giang cũng phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ vùng biển đảo, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vụ việc phức tạp, không để phát sinh điểm nóng, giúp ngư dân yên tâm sản xuất, khai thác đánh bắt trên ngư trường. Lực lượng này sẽ hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản bảo vệ, quản lý và khai thác hiệu quả các bãi giống tự nhiên, ngăn chặn đối tượng xâm hại khai thác trái phép.