Tăng cường diễn tập
Tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, ngày 28/9, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức diễn tập thành công phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy mô cấp tỉnh, với trên 400 người tham gia.
Tình huống giả định là xe ô tô tải chở hàng hóa đang di chuyển trên trục đường hành lễ bất ngờ phát cháy tại đầu xe do sự cố kỹ thuật. Ngay lập tức, lái xe đã dùng bình chữa cháy được trang bị trên xe để chữa cháy nhưng không dập tắt được, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan lên khu vực cabin và cháy lan ra toàn bộ xe. Khi đó, các xe đang di chuyển trong khu vực trục đường hành lễ hoảng loạn, mất lái, làm hai xe ô tô khác đâm vào nhau gây mắc kẹt năm người trên hai xe. Nếu không tổ chức cứu chữa kịp thời, đám cháy có nguy cơ lan rộng ra các hàng quán bên lề trục hành lễ và cháy lan lên đồi Phú Bùng, gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn và giá trị tâm linh.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thông qua diễn tập đã đánh giá khả năng phát huy phương châm "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ); đồng thời nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các lực lượng tham gia chữa cháy trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ lớn tại các địa điểm tổ chức lễ hội. Qua đó, nâng cao ý thức trong bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ cho các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và nhân dân; có kế hoạch tổ chức chỉ đạo, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ.
Theo ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, hằng năm, vào dịp Giổ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch, tại khu tích, nhiều hoạt động diễn ra. Do đó, việc tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng phương tiện tham gia có ý nghĩa lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Liên tục trong tháng 9/2023, nhiều huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các buổi thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, thu hút hàng nghìn người tham gia. Nhiều mô phỏng các tình huống thực tế như phát hiện, xử lý tin, hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn, di chuyển tài sản và tổ chức chữa cháy ban đầu theo phương châm “4 tại chỗ”; trường hợp đám cháy chưa được dập tắt và cần các đơn vị khác (dân phòng, Công an phường, Trạm y tế...) đã được thực hành diễn tập sinh động. Hoạt động thực tập giúp bồi dưỡng kỹ năng thực tế về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến từng gia đình, để người dân được trang bị kiến thức cơ bản nhất về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra.
Công an tỉnh có nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trường học và ra mắt mô hình điểm chữa cháy công cộng tại các địa phương.
Chú trọng phương án “4 tại chỗ”
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều vụ cháy đã xảy ra, tuy chưa thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại to lớn về tài sản. Trong 9 tháng qua, 12 vụ cháy đã xảy ra làm thiệt hại về tài sản trị giá 1,95 tỉ đồng và 8,5 ha rừng. Theo dự báo, trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra cháy, cháy lớn vẫn có thể tiếp tục xảy ra, có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhất là hiện nay, địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu đô thị, nhà cao tầng, các khu, cụm công nghiệp với nhiều loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh và đang tăng cả về số lượng, quy mô. Nhu cầu sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu, khí đốt ngày càng nhiều, cùng với đó tình hình thiên tai, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường... tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, ngành sẽ chú trọng xây dựng phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời tỉnh sẽ kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở và lực lượng chuyên ngành; có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các lực lượng này. Công an tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Về lâu dài, Công an tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng phương án quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp, đồng bộ với quy hoạch của tỉnh; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc... phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Ngành đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội tập trung xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; có cơ chế, chính sách thu hút cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Phú Thọ luôn xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ của toàn dân, toàn xã hội. Tỉnh đã thành lập 2.161 đội dân phòng với trên 20.000 đội viên; xây dựng 5.517 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với trên 67.000 đội viên; xây dựng 3 đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, 1 mô hình "Cửa hàng xăng dầu an toàn phòng cháy, chữa cháy "; thành lập 23 mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy " tại khu dân cư và 11 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng"; vận động 100% khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ...