Sự phát triển không ngừng của công nghệ đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống của con người. Với người khuyết tật, công nghệ ngày càng trở nên ý nghĩa hơn khi giúp họ giải quyết được những khó khăn trong học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Là đối tượng yếu thế, việc tiếp cận công nghệ của người khuyết tật gặp không ít khó khăn. Do đó, cần thêm các cơ chế, chính sách để họ được tiếp cận sớm, làm chủ công nghệ, có công việc tốt hơn trong tương lai, hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
Bài 1: Vươn lên làm chủ công nghệ
Với phương châm không để người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt là hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cuộc sống một cách thuận lợi, đầy đủ hơn.
Hỗ trợ tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin
Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách được thể hiện trong các quy định của Luật Người khuyết tật và văn bản dưới Luật nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin.
Điều 43 Luật Người khuyết tật quy định rõ, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật.
Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, các hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đó là: Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trợ giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng thông tin điện tử hỗ trợ người khuyết tật; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật...
Nhờ được hỗ trợ tiếp cận, công nghệ thông tin đã trở thành cái tay của người khuyết tật vận động, cái tai của người khiếm thính, con mắt của người khiếm thị. Công nghệ số cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và người không khuyết tật. Nhờ có công nghệ, người khuyết tật có thể hòa nhập và tự mình thực hiện các hoạt động như: sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế, giao tiếp, mua sắm trực tuyến... Chuyển đổi số tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội nâng cao kiến thức và tiếp cận các thông tin về việc làm dễ dàng hơn.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam khẳng định, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã góp phần hỗ trợ không nhỏ đối với người khuyết tật, thúc đẩy quá trình hòa nhập đầy đủ và bình đẳng vào cộng đồng xã hội. Công nghệ giúp ích rất lớn cho người khuyết tật như xóa bỏ khoảng cách, giao lưu, tìm kiếm thông tin, việc làm...
Vươn lên làm chủ công nghệ
Trên thực tế, rất nhiều người khuyết tật đã thay đổi cuộc sống nhờ công nghệ thông tin, thậm chí trong lĩnh vực này họ còn đạt được những thành tựu, thành công mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Công ty Cổ phần Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội (Nghị lực sống) do chị Nguyễn Thị Vân, một trong những nhà sáng lập là một điển hình.
Với phương châm “chúng tôi chỉ là những người gieo hạt”, từ khi thành lập đến nay, Nghị lực sống đã hỗ trợ cho hàng nghìn người khuyết tật thông qua việc đào tạo nghề công nghệ thông tin miễn phí và các kỹ năng giúp họ tìm được việc làm phù hợp. Qua đó, giúp người khuyết tật tự tin, dễ dàng hòa nhập hơn với cộng đồng và tự tạo dựng cuộc sống trong tương lai.
Từ năm 2008, Nghị lực sống đã triển khai các lớp đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật về công nghệ thông tin. Những năm 2018, chuyển đổi số trên các lĩnh vực đã tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ mà người khuyết tật có thể làm được. Nhờ đó, các học viên sau khi học tại đây đa số đã có việc làm ổn định, tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội.
Em Dương Văn Dũng (sinh năm 2000), học viên tại Nghị lực sống chia sẻ, em đã gặp vô vàn khó khăn suốt 12 năm học phổ thông. Em luôn mặc cảm, tự ti với sự khiếm khuyết của cơ thể mình. Không muốn mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội, chàng trai nhút nhát ấy đã tìm tòi trên mạng xã hội và biết đến Nghị lực sống. Dũng mạnh dạn đăng ký tham gia lớp học công nghệ thông tin miễn phí và “khăn gói” từ Lạng Sơn xuống Hà Nội quyết tâm học nghề.
"Sau một thời gian học tập tại Nghị lực sống, em đã có nhiều kiến thức về photoshop. Em mong muốn sẽ tìm được công việc ổn định trong tương lai", Dương Văn Dũng chia sẻ.
Do sức khỏe yếu, Nguyễn Thúy Hằng (sinh năm 1994, ở tỉnh Thái Nguyên) chỉ học đến hết lớp 10. Biết đến Nghị lực sống từ lâu nhưng tới đầu năm 2024, Hằng mới mạnh dạn xuống Hà Nội học nghề. Sau một thời gian học tập, cô gái trẻ này đã khá thành thạo những kỹ năng cơ bản về máy tính. Đặc biệt, em đã được trang bị những kiến thức về marketing online, biết viết nội dung, bán hàng... để phục vụ công việc sau này.
Học xong khóa học tại Nghị lực sống, Hằng mong muốn tìm được công việc phù hợp với bản thân. Cô gái trẻ cũng mong ước trở thành một người giống như các thầy ở Nghị lực sống, truyền cảm hứng cho những người khuyết tật vượt qua giới hạn của bản thân mình, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Thầy Vũ Phong Kỳ, cũng là người khuyết tật, giáo viên tại Nghị lực sống chia sẻ: Nghị lực sống tập trung đào tạo lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, học nghề về photoshop, dán nhãn dữ liệu, hay lĩnh lực mới đang “hot” hiện nay là marketing, bán hàng online... Đó là những công việc rất phù hợp với người khuyết tật. Nghị lực sống mong muốn, mỗi khóa học có thể hỗ trợ nhiều nhất có thể cho các học viên.
Từng là cựu học viên của Nghị lực sống, sau khóa học đào tạo, anh Vũ Phong Kỳ có khoảng thời gian dài làm việc cho các công ty về chỉnh sửa ảnh. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nên anh thấu hiểu khát khao có nghề, có việc làm của những người khuyết tật. Bởi khi người khuyết tật có công việc sẽ có sự thay đổi rất lớn, họ không phụ thuộc vào gia đình, có thể nuôi sống bản thân mình, đóng góp cho xã hội.
Ngoài kiến thức chuyên môn, học viên tại Nghị lực sống được học Tiếng Anh giao tiếp, các kỹ năng trả lời phỏng vấn để có thể tự tin khi tham gia vào thị trường lao động.
Bà Ngô Thị Huyền Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội cho biết: Mỗi năm, Nghị lực sống đào tạo cho khoảng 120 người khuyết tật, tỷ lệ có việc làm là 70% cho nhóm công việc về công nghệ thông tin, với mức lương tốt. Nghị lực sống tiếp tục tìm kiếm thêm loại hình công việc liên quan đến công nghệ để đào tạo cho người khuyết tật trong tương lai.
Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, thời gian qua, Nhà nước đã bố trí ngân sách để dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi, học nghề, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, để trợ giúp người khuyết tật không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà rất cần sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Ông Đặng Văn Thanh đánh giá rất cao các doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị lực sống đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tự tạo dựng cuộc sống.
Để tránh lãng phí nguồn nhân lực này, ông Đặng Văn Thanh cho rằng, cần có sự thay đổi, nhất là về chính sách hỗ trợ thúc đẩy nguồn lực lao động là người khuyết tật, đồng thời thay đổi về nhận thức, tư duy của doanh nghiệp và có chính sách bảo đảm tỷ lệ người khuyết tật có việc làm nhiều hơn trong thời gian tới.
Bài cuối: Tháo gỡ rào cản, lan tỏa năng lượng tích cực