Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: “Tủ sách gia đình” - tạo dựng những giá trị văn hóa bền vững

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng “Tủ sách gia đình”, tại Ngày hội Gia đình Việt Nam 2011, Vụ Thư viện (Bộ VH, TT & DL) đã tổ chức phát động phong trào xây dựng “Tủ sách gia đình”, nhằm xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho mỗi thành viên trong gia đình, qua đó, góp phần giáo dục đạo đức lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách tốt đẹp của con người, tạo nên những giá trị văn hóa bền vững trong gia đình Việt Nam.

Dòng chảy từ lịch sử

Diễn ra từ 25 - 28/6/2011 tại Trung tâm triển lãm VHNT Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), một trong những hoạt động nổi bật và được đông đảo mọi người quan tâm tại Ngày hội Gia đình Việt Nam 2011 (do Bộ VH, TT & DL, UBND thành phố Hà Nội tổ chức) là việc phát động phong trào xây dựng “Tủ sách gia đình”.

Khách tham quan tủ sách gia đình trưng bày trong Ngày hội Gia đình Việt Nam 2011.


Phong trào xây dựng “Tủ sách gia đình” được phát động với mong muốn ông bà, cha mẹ hướng con đọc sách từ khi còn nhỏ. Đồng thời, xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là trẻ em, để văn hóa đọc luôn giữ một vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách hệ thống và sâu sắc, bên cạnh sự tiếp thu thông tin qua các phương tiện thông tin như truyền hình, phim ảnh, internet... Thông qua đó, góp phần giáo dục đạo đức lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách tốt đẹp của con người, tạo nên những giá trị văn hóa bền vững trong gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 50% gia đình ở thành phố, đô thị; 30% gia đình ở vùng nông thôn và 15% gia đình ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có tủ sách gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Giới, Phó vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH, TT &DL) cho biết, ở Việt Nam từ xưa đến nay, gia đình luôn được coi trọng và đánh giá cao. Gia đình cũng được xem như một môi trường cơ bản góp phần nuôi dưỡng và hình thành nên nhân cách và tư cách, đạo đức, tài năng của từng thành viên trong gia đình. Ở góc độ xã hội, gia đình cũng là nơi gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại lối sống tha hóa, vị kỷ, phi đạo đức của con người do tác động của mặt trái kinh tế thị trường.

Từ xa xưa, nhiều gia đình đã trở thành vườn ươm tài năng của các bậc thánh hiền, các lãnh tụ - vĩ nhân, các bậc danh nhân trên thế giới trong nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục, âm nhạc, hội họa, kỹ thuật, y học, công nghệ, quân sự, ngoại giao... Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta, bên cạnh những thư viện mang tầm quốc gia như Bí thư các, Quốc sử quán... thì vẫn có không ít thư viện tư gia và tủ sách gia đình của quan lại và các học giả, tri thức đương thời như: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhà sử học Lê Văn Hưu, nhà giáo dục học Chu Văn An, thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, học giả Lê Quý Đôn, dòng họ Ngô Gia Văn Phái... Và họ đều là những con người tài năng, đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, xã hội thời bấy giờ. Chính vì vậy, ông Nguyễn Hữu Giới khẳng định, trong thời đại kinh tế tri thức như hiện nay, việc phát động văn hóa đọc, đặc biệt việc xây dựng tủ sách gia đình ở Việt Nam là một hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi chúng ta đang giữ gìn bản sắc gia đình truyền thống, phát huy tri thức trong mọi gia đình, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, học hành, giải trí cho mọi công dân.

Tôn vinh tủ sách gia đình

Trong thời gian diễn ra Ngày hội Gia đình Việt Nam, một trong những địa chỉ được nhiều du khách ghé thăm nhiều nhất chính là khu trưng bày giới thiệu mô hình tủ sách gia đình tiêu biểu của GS.TS Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á của Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông ở nhà C4 - 35 Kim Mã Thượng (Hà Nội) và tủ sách của gia đình ông cựu chiến binh Bùi Đình Thăng (Hưng Yên).
Tủ sách của gia đình GS.TS Phạm Đức Dương thành lập từ năm 1998, đến nay có hơn 10.000 cuốn sách các loại, hơn 50 loại báo, tạp chí tiếng Việt và nước ngoài, cùng hơn 400 luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Hơn 10 năm nay, tủ sách của gia đình GS.TS Phạm Đức Dương đã trở thành một thư viện mở sẵn sàng đón tiếp miễn phí các sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ giảng dạy ở Hà Nội suốt 7 ngày trong tuần. Trung bình mỗi năm, tủ sách đón trên 500 lượt người đến đọc và nghiên cứu. Là một nhà khoa học, GS.TS Phạm Đức Dương có ý thức lưu trữ nhiều sách. Để khuyến khích các em sinh viên nâng cao kiến thức, ông đã mở cửa tủ sách cho các em đọc. Ông còn là người hướng dẫn cho các em lựa chọn sách đọc và cách đọc sách sao cho hiệu quả. “Ngoài việc đọc sách, chúng tôi còn tổ chức các hội thảo khoa học cho các em, để việc đọc sách trở thành một sân chơi văn hóa cho các em” - GS.TS Phạm Đức Dương cho biết. GS.TS Phạm Đức Dương tâm sự, từ khi mở cửa tủ sách của gia đình mình, qua báo chí, truyền thông thì học sinh, sinh viên, bạn bè trong cả nước gửi thư trao đổi sách nhiều hơn. “Có những em ở Cần Thơ nhờ tôi cung cấp tài liệu và còn tặng sách cho tôi. Khi mở tủ sách, tôi thấy có bận rộn hơn nhưng lại vui và tôi cảm thấy gần gũi hơn với mọi người, nhất là với học trò” - GS.TS Phạm Đức Dương vui vẻ nói.

“Thư viện ông Thăng” - cái tên thân mật mà người dân đặt cho tủ sách của ông Bùi Đình Thăng - cựu chiến binh ở thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Sau hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ, khi về quê, mang trong mình nhiều bệnh tật, nhưng ông Bùi Đình Thăng luôn suy nghĩ và mong muốn, dành những năm tháng còn lại, đem hiểu biết được rèn luyện trong quân đội, kiến thức đọc được từ sách, báo, giúp người dân quê mình nâng cao dân trí. Nghĩ là làm, ông dành toàn bộ lương hưu mua sách, báo cả cũ và mới; huy động bạn bè và các nguồn hỗ trợ khác, thu thập được số lượng khá lớn các loại sách, báo, tạp chí, truyện... Ông vận động vợ, con dành căn nhà chính để làm nơi lưu trữ sách, nơi sinh hoạt chi bộ và họp thôn Ðoàn Ðào. “Thư viện ông Thăng” ra đời năm 1990, với chức năng đọc và cho mượn sách, báo; thông tin, tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ thông tin về sức khỏe cộng đồng, về khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, thông tin thời sự... tất cả đều được ông Thăng phục vụ miễn phí. Đến nay “thư viện ông Thăng” đã có trên 9.000 cuốn sách, gần 60 loại báo và tạp chí các loại. Hơn 20 năm mở cửa, tủ sách gia đình của ông Thăng đã thu hút gần 25.000 lượt người tới đọc sách, báo tại đây và hơn 15.000 lượt người đến mượn sách về nhà đọc.

Ngoài hai “thư viện gia đình” này, trên địa bàn cả nước còn nhiều thư viện gia đình khác do tư nhân xây dựng, đầu tư và tổ chức việc đọc cho gia đình, dòng họ và cho nhân dân trên địa bàn hoàn toàn miễn phí. Tiêu biểu là tủ sách của ông Nguyễn Văn Chín (Hà Nội); ông Đoàn Duy Thành, ông Phạm Chí Thiện (Hải Dương); ông Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), ông Đặng Huỳnh (Bến Tre), ông Vũ Đức Hiếu (Hòa Bình)... Tính đến năm 2011, cả nước đã có hơn 40 thư viện, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng, đã và đang có tác dụng, ảnh hưởng to lớn trong việc củng cố, duy trì và nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân, cho cộng đồng. Nếu phong trào xây dựng “Tủ sách gia đình” được phát triển thì chắc chắn văn hóa đọc không bị lãng quên.


Sáng 27/6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2011). 10 năm qua, kinh tế hộ gia đình phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước; nhiều chủ hộ gia đình trở thành những chủ doanh nghiệp có tên tuổi trong nước và quốc tế. Xây dựng gia đình ở nước ta những năm qua gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa. Xây dựng gia đình gắn với phong trào xóa đói giảm nghèo; thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực trẻ em. Gia đình Việt Nam ngày nay đang được xây dựng trên những giá trị nhân văn tiến bộ như bình đẳng giới, quyền trẻ em.



Bài và ảnh: Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN