Tự ý sao chép, sử dụng
Theo các phóng viên, nhà báo tại TP Hồ Chí Minh, trong các thể loại tác phẩm báo chí hiện nay, ảnh báo chí là thể loại bị xâm phạm tác quyền phổ biến nhất bởi dễ phát hiện nhất.
Mới đây, phóng viên ảnh Phạm Nguyễn Phú Thọ (bút danh Phạm Nguyễn, báo điện tử Dân Trí tại TP Hồ Chí Minh), đã phát hiện một bức ảnh được chụp trong khu cách ly tập trung COVID-19 tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh của mình đã bị sử dụng lại mà không xin phép hay ghi tên tác giả. “Hôm đó, tôi đang đi trên đường Đồng Khởi (Quận 1) thì thấy một bức ảnh của tôi chụp trong khu cách ly Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được trưng bày tại một triển lãm của thành phố. Lạ hơn nữa là ban tổ chức (BTC) triển lãm đăng tấm ảnh này nhưng không đề tên tác giả và cũng chưa xin phép tôi”, phóng viên Phạm Nguyễn cho biết.
Sau đó phóng viên Phạm Nguyễn đã tìm cách liên hệ BTC triển lãm và BTC cũng đã có lời xin lỗi. “Hướng xử lý của các đơn vị xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay chủ yếu là xin lỗi và bày tỏ quan điểm mong muốn được tác giả thông cảm bỏ qua. Đối với tôi, cũng vì nể nang đồng nghiệp, e ngại kiện cáo rồi đưa nhau ra tòa tốn thời gian nên tôi cũng chọn cách bỏ qua”, phóng viên Phạm Nguyễn nói.
Tương tự, phóng viên Hữu Long (Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, thể loại ảnh báo chí anh thường chụp là ảnh báo chí nghệ thuật nói về thiên nhiên, đời sống, lịch sử, con người Việt Nam. Các tác phẩm của anh cũng thường xuyên được trang điện tử chuyên về du lịch lấy đăng lại nhưng không liên hệ với anh, chỉ khi nào anh liên hệ thì các đơn vị này mới thêm tên tác giả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với tác phẩm được sử dụng.
Cần kiên quyết xử lý
Chia sẻ về vấn đề bản quyền cho tác phẩm báo chí, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện nay, nhiều người, thậm chí là phóng viên, nhà báo còn chưa hiểu xâm phạm tác phẩm báo chí là như thế nào? Theo quy định của Điều 6, Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ và trong Công ước Bern nói rõ: Tác phẩm báo chí đã được bảo hộ ngay từ khi nó được tạo ra, khi được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện truyền thông, báo chí chứ không cần đi đăng kí bảo hộ tác quyền. Tuy nhiên, tác phẩm báo chí đó phải đạt được tiêu chuẩn đặt ra là “Trên nội dung thông tin vụ việc đưa tin, thuần túy sẽ có sự lồng ghép các sáng tạo của phóng viên, nhà báo… để tạo thành một tác phẩm báo chí có quyền tác giả”.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, hình thức phổ biến của việc vi phạm tác quyền báo chí trong thời buổi công nghệ số hiện nay là tự ý lấy bài viết, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không trả thù lao, nhuận bút cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm; không dẫn nguồn hoặc chỉ ghi nguồn rất nhỏ dưới bài viết… Hậu quả của tình trạng vi phạm tác quyền trong lĩnh vực báo chí đó là tác giả, chủ sở hữu thật sự của tác phẩm bị thiệt hại về tinh thần và vật chất.
“Nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền báo chí nằm ở vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật và sự thiếu quyết liệt của chính tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Cụ thể, một số tác giả còn có tâm lý nể nang, e ngại đối với đồng nghiệp sử dụng lại tác phẩm báo chí của mình mà không xin phép. Hiện nay, pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ và bản quyền đối với tác phẩm báo chí có rất đầy đủ và chặt chẽ. Chúng ta cũng có các quy định pháp lý để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí như: biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hành chính, dân sự và nặng nhất là biện pháp hình sự”, Luật sư Phan Vũ Tuấn nói.
Để bảo vệ bản quyền cho một tác phẩm báo chí, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết: “Tác phẩm báo chí không khác gì là một đứa con tinh thần của tác giả. Nhà báo, phóng viên khi đã sinh ra đứa con tinh thần thì cũng cần có biện pháp tự bảo vệ chính đứa con của mình. Thứ hai, chúng ta cũng cần tăng chế tài xử phạt về hành chính đối với vi phạm bản quyền báo chí. Bởi hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tác quyền báo chí đang ở mức thấp nhất là 200.000 đồng/vụ và cao nhất chỉ 500 triệu đồng/vụ. Các chế tài về dân sự, hình sự cũng cần được thực hiện triệt để nhằm tăng tính răn đe cho cộng đồng, xã hội cao hơn”.
Trong khi đó, đại diện Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngoài việc tăng chế tài xử phạt, các tòa soạn báo, các nhà báo cũng phải tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với chính tác phẩm báo chí mình tạo ra.
“Cụ thể, khi nhà báo, phóng viên phát hiện ra hành vi vi phạm tác quyền báo chí của mình thì các cơ quan báo chí, tác giả cần phải thực hiện ngay lập tức quyền tự bảo vệ. Đầu tiên là yêu cầu đối tượng vi phạm phải gỡ bỏ bài viết, hình ảnh vi phạm, có lời xin lỗi hoặc có bản cam kết không tái phạm… Nếu còn tái phạm thì tác giả, cơ quan báo chí có tác phẩm bị vi phạm có thể tiến hành các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự để tự bảo vệ tác quyền đối với tác phẩm báo chí của mình. Nếu cơ quan báo chí, tác giả có thái độ kiên quyết, không nể nang trong quá trình xử lý thì tình trạng vi phạm tác quyền báo chí trong thời buổi công nghệ số sẽ giảm nhanh chóng”, đại diện Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đề nghị.