Tháng hành động vì trẻ em 2024:

Nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục, bảo vệ trẻ em

Chiều 31/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em". Qua đó, kêu gọi sự quan tâm và trách nhiệm của các ngành, cấp, toàn xã hội đến trẻ em; tạo bước chuyển về nhận thức, tầm nhìn và hành động cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng phát biểu tại lễ phát động.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng nhấn mạnh: Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước ta vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Để thực hiện tốt Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, ông Ngô Vũ Thăng đề nghị Sở Lao động - Thương ninh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tăng cường nhận thức, kỹ năng của gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em; thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, thực hiện quyền trẻ em, chủ động phòng ngừa và giải quyết ngay tại cơ sở các vụ xâm hại, ngược đãi, bạo hành trẻ em. Các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, nhất là khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, việc sử dụng lao động trẻ em và có biện pháp xử lý kịp thời; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Để có thêm điều kiện chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị, hằng năm, các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí, vận động nguồn lực từ nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân, đơn vị, các doanh nghiệp ủng hộ với tấm lòng nhân ái, tích cực hỗ trợ, đóng góp bằng vật chất, tinh thần cho trẻ em.

Vận động toàn xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp đỡ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi bạo hành, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em bỏ học, trẻ em lao động sớm… Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ ăn mặc mà quan trọng là giúp trẻ em được học, vui chơi, bảo đảm an toàn, lành mạnh, giảm số trẻ em bỏ học, tích cực phòng, chống các loại tệ nạn xã hội như nghiện game, bị xâm hại, bạo lực, làm trái pháp luật...

Chú thích ảnh
Ông Tạ Trung Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu trao quà cho trẻ em có hoàn cành khó khăn tại lễ phát động.

Đối với trẻ em, ông Ngô Vũ Thăng mong muốn, tùy theo sức của mình, các em tích cực tham gia hoạt động xã hội, biết chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh sống, thiệt thòi hơn mình, luôn học tập tốt, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 184.000 trẻ em, trong đó, có 263 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và trên 1.000 trẻ khuyết tật. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm với nhiều hoạt động chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, trên 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp; gần 71.000 trẻ em dưới 6 tuổi được mua bảo hiểm y tế. Thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em, 25 trẻ đã được hỗ trợ đột xuất; hơn 1,1 tỷ đồng được vận động để trao nhiều phần quà thiết thực và hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh đã trao suất quà cho 60 trẻ em có hoàn cành khó khăn tại thành phố Bạc Liêu, hai huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi, mỗi suất trị giá 400.000 đồng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bạc Liêu.

Tin, ảnh: Tuấn Kiệt (TTXVN)
Tháng hành động vì trẻ em 2024: Chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Tháng hành động vì trẻ em 2024: Chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đi thăm, tặng nhiều phần quà và tổ chức những hoạt động ý nghĩa cho trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội; trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế; trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi cha mẹ, không có nơi nương tựa đang học tập tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, nhà trẻ vùng khó khăn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN