Nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu

Dù lĩnh vực xuất khẩu lao động đã đạt hơn 60% kế hoạch năm nay, nhưng để giữ vững các thị trường trọng điểm, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đề xuất Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) tăng cường kiểm tra, giám sát khâu đào tạo và tuyển nguồn lao động.

Cắt bớt chương trình

Những vụ việc lao động bị ngược đãi và bỏ trốn thời gian gần đây tại thị trường Ảrập Xêút, Malaysia có nguyên nhân từ việc đào tạo kỹ năng nghề, phong tục tập quán, luật pháp nước sở tại, cũng như ngoại ngữ chưa được thực hiện đầy đủ từ cả phía doanh nghiệp và người lao động.

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan.


Theo quy định của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trước khi đi xuất khẩu, người lao động phải được đào tạo 74 tiết về nghiệp vụ, thông tin luật pháp, văn hóa... của nước sở tại và từ 1 - 3 tháng về ngoại ngữ, tùy từng thị trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thời gian qua cắt giảm thời gian học nghiệp vụ, ngoại ngữ, thậm chí chỉ tổ chức 1 - 2 buổi hướng dẫn sơ lược về nghiệp vụ. “Còn về phía người lao động, phần học kỹ năng nghề thì đa số học viên học khá đầy đủ, nhưng đến học về phong tục tập quán, phương thức giao tiếp và nhất là ngoại ngữ thì người lao động lấy lý do trình độ văn hóa thấp khó tiếp thu, hoặc đã có tuổi nên không muốn học. Nhất là các thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao như Malaysia, Ảrập Xêút thì tình trạng không nghiêm túc trong đào tạo diễn ra phổ biến. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vừa và nhỏ thì càng bỏ ngỏ chương trình này”, đại diện Hiệp hội xuất khẩu lao động cho biết.

Điều này dẫn đến hậu quả khi sang làm việc tại xứ người, trước áp lực công việc, khả năng giao tiếp hạn chế dẫn đến không hiểu công việc giữa hai bên, nên xảy ra mẫu thuẫn và bất đồng. Từ đó phát sinh ra vụ việc đáng tiếc như bị chủ ngược đãi hoặc người lao động bỏ trốn tìm nơi khác làm việc.

Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tạm dừng việc tiếp nhận đối với nghề khán hộ công (chăm sóc người già) và thuyền viên tàu cá gần bờ trong hơn 10 năm qua do lao động bỏ trốn. Theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng 22.000 lao động ở thị trường này bỏ trốn chưa về nước. Từ trung tuần tháng 7/2015, phía Đài Loan đã cấp phép lại cho Việt Nam đưa lao động khán hộ công gia đình, thuyền viên tàu cá sang làm việc. Để tránh lặp lại vết xe đổ, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động vào thị trường Đài Loan với hai ngành nghề trên phải tăng cường công tác đào tạo cả nghiệp vụ lẫn ngoại ngữ. Theo đó, thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu là 90 giờ, thời gian bồi dưỡng tiếng Hoa là 200 giờ, thời gian bồi dưỡng kiến thức là 100 giờ. Như vậy, thời gian học, đào tạo nghiệp vụ tăng hơn so với quy định thông thường là khoảng 20%, trong đó nội dung yêu cầu phải để người lao động hiểu rõ công việc, xử lý tình huống, khả năng giao tiếp với chủ sử dụng lao động.

“Nếu thực hiện đúng quy trình đào tạo, dự kiến thời gian tới tổng số lao động Việt Nam sang Đài Loan sẽ gia tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Hiện lao động đi Đài Loan chiếm 60% tổng số lao động đi xuất khẩu của Việt Nam”, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý Lao động ngoài nước cho biết.

Xử lý nghiêm vi phạm

Để giữ được thị trường trọng điểm, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đề nghị Bộ LĐTBXH cần tăng cường kiểm tra việc tuyển nguồn và đào tạo. “Đơn cử như với thị trường Đài Loan, dù đã mở cửa trở lại cho nghề khán hộ công gia đình với mức lương khá cao, nhưng đòi hỏi phải có nghiệp vụ tương ứng. Do công việc là chăm sóc người già có bệnh nên việc đào tạo người lao động không đơn thuần là quét dọn như giúp việc gia đình, mà phải có kiến thức như những y tá, hộ lý. Bộ LĐTBXH cần kiểm soát, giám sát quy trình đào tạo của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, đại diện doanh nghiệp Techsimex đề xuất.

Các doanh nghiệp cho rằng, Bộ LĐTBXH nên kết hợp với Hiệp hội xuất khẩu lao động để có quy chế và khung đào tạo từng thị trường, đảm bảo quyền lợi người lao động và của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: Bộ sẽ xử lý nghiêm đơn vị vi phạm trong việc đào tạo và tuyển nguồn. Đối với thị trường trọng điểm có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động, sẽ có đầu mối thống nhất để cùng giám sát khung đào tạo phù hợp. Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc trong đào tạo, minh bạch các khoản phí trước và sau khi xuất cảnh.

Xuân Minh - Thái Hà
Nghệ An mở rộng thị trường xuất khẩu lao động
Nghệ An mở rộng thị trường xuất khẩu lao động

Tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiếp tục khai thác và phát triển các thị trường lao động truyền thống, đồng thời mở rộng thêm nhiều thị trường mới tiềm năng có thu nhập cao, ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN