Năm 2015, xuất khẩu lao động sẽ sáng hơn

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là dịp cao điểm để Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo chuẩn bị Tết cho người dân, đặc biệt là người có công và gia đình chính sách. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã chia sẻ vấn đề này trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

Thưởng Tết tăng 15%


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Chăm lo Tết cho mọi người luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đối tượng người có công, người nghèo. Năm nay, Đảng Nhà nước đã có chỉ đạo cụ thể. Đối với người có công, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng 200.000 đồng và 400.000 đồng/đối tượng.

Cũng theo Bộ trưởng, đối tượng người nghèo có hai mức hỗ trợ: Hỗ trợ gạo và hỗ trợ tiền. Có địa phương hỗ trợ 300.000 đồng/hộ, có địa phương (tùy đối tượng) hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Cùng với đó,các doanh nghiệp và cộng đồng cũng huy động hỗ trợ thêm để tất cả các người nghèo đều có Tết.

Về vấn đề lương, thưởng Tết, Bộ trưởng cũng cho biết, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lương thưởng Tết, qua kiểm tra, giám sát và báo cáo của các địa phương, cho thấy, trên 80% doanh nghiệp đã có thưởng Tết Dương lịch cho người lao động với mức 1,5 triệu đồng. Đối với Tết Nguyên đán, phần đông các doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết, tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp còn khó khăn, Bộ sẽ cho rà soát. Nếu doanh nghiệp khó khăn, không thể thưởng Tết, thì báo cáo với địa phương để có phương án hỗ trợ cho người lao động.

Người lao động có quyền giám sát việc thực hiện thưởng Tết. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN


“Người lao động có quyền giám sát việc thực hiện thưởng Tết. Nếu công nhân ở đâu chưa thấy thưởng Tết, nên kiểm tra lại hợp đồng đầu năm của doanh nghiệp xem có khoản thưởng cho người lao động và có công khai không. Nếu có mà chưa thực hiện, cần báo với công đoàn để công đoàn đôn đốc doanh nghiệp thực hiện. Nếu doanh nghiệp đã có quy chế đầu năm mà không thực hiện thì báo cáo sở, phòng lao động địa phương, để có sự can thiệp, thực hiện đúng quy chế của doanh nghiệp về lương thưởng trong hợp đồng đồng của doanh nghiệp đối với người lao động. Theo đánh giá chung tình hình thưởng Tết năm nay tăng 15% so với năm ngoái. Như vậy, đứng trước tình hình chung, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động được nâng lên”, Bộ trưởng cho biết.

Mặc dù năm 2014 kinh tế còn khó khăn, nhưng kinh phí cũng như các đối tượng được hưởng an sinh xã hội và người có công đều tăng. Nêu năm 2013, kinh phí là khoảng 23.000 tỷ đồng, thì đến năm 2014 đã tăng lên khoảng 29.000 tỷ đồng.  Đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, Chính phủ cũng đã tăng mức chuẩn cho một số đối tượng như người già có hoàn cảnh khó khăn, người từ 80 tuổi trở lên, các gia đình nghèo, các đối tượng ở các trung tâm bảo trợ xã hội từ 180.000 lên 270.000 đồng/tháng. 

Năm 2015 tiếp tục thực hiện các chính sách đã có, đồng thời triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách cho vấn đề việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và chăm sóc các đối tượng xã hội, người có công. Trên cơ sở đó, các đối tượng được hưởng chính sách tăng cả về mức và số lượng cũng sẽ được thực hiện đầy đủ. Năm 2015 cũng là năm giải quyết các tồn đọng thông qua các việc rà soát làm thế nào đến cuối năm 2015 những đối tượng người có công còn tồn đọng về cơ bản được giải quyết.

Chuyển biến trong xuất khẩu lao động

Về vấn đề xuất khẩu lao động, Bộ trưởng khẳng định, Trung Đông là thị trường tốt, đã có khoảng 4.000 lao động giúp vệc gia đình do 50 doanh nghiệp đưa sang làm việc. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khi đưa người lao động sang khu vực chưa thông tin đầy đủ thị trường lao động, hướng dẫn người lao đông về phong tục tập quán và quy định cứng trong hợp đồng, nên có một số chị em khi sang đến nơi không hòa nhập, đã bỏ về. Theo quy định, người lao động, nhất là lao động giúp việc gia đình, trong vòng 3 tháng mà tự bỏ hợp đồng thì phải tự mua vé về.

“Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đưa người lao động sang thị trường Trung Đông phải hướng dẫn kỹ về điều kiện, tập quán văn hóa của người dân ở nước này để người lao động hiểu về bản chất, tránh hiểu không đầy đủ”, Bộ trưởng khẳng định.

“Năm 2015, thị trường xuất khẩu lao động có nhiều điểm khả quan. Ngoài lao động giúp việc tại Đài Loan, một số thị trường Malaysia, Hàn Quốc, còn có xuất khẩu lao động tay nghề cao đi Nhật Bản và Đức như hộ lý, y tá... Thị trường Đài Loan có một thời gian phải dừng xuất khẩu lao động giúp việc gia đình, đến nay, theo tinh thần mới giữa hai bộ đã thỏa thuận sẽ ký hợp đồng mới, những vấn đề còn vướng mắc sẽ được khơi thông.


Trọng Thủy


Xuất khẩu lao động, dạy nghề hướng giảm nghèo bền vững
Xuất khẩu lao động, dạy nghề hướng giảm nghèo bền vững

Ngày 19/1, tại tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chính sách xuất khẩu lao động, dạy nghề và giảm nghèo tại các huyện nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN