Để tăng năng suất lao động, đảm bảo sức khỏe cho công nhân, bữa ăn của công nhân hiện đã được các doanh nghiệp rất quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến vấn đề này cho nên thời gian qua mới có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến không ít công nhân phải nhập viện.
Bữa ăn dễ bị ngộ độc
Công nhân làm việc với cường độ cao nên bữa ăn đóng vai trò rất quan trọng, giúp họ tái tạo sức lao động và tăng năng suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo khảo sát của Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, một suất ăn của công nhân tại doanh nghiệp ở các KCN-KCX chỉ dao động từ 8.0000-10.000 đồng, khá thấp so với mặt bằng giá cả thị trường hiện nay. Hơn nữa, mỗi suất ăn còn phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng và các chi phí khác như: vận chuyển, bảo hiểm, hoa hồng…cho nên giá trị thực còn thấp hơn nữa.
Những bữa ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang de dọa tới sức khỏe của công nhân. (Ảnh chụp tại khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức). |
Ông Nguyễn Tấn Định, nguyên Phó Ban quản lý khu chế xuất- khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Để có thể cung cấp những phần cơm giá rẻ, nhiều cơ sở chế biến phải giảm lượng thức ăn hoặc sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Vì vậy, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp mới diễn ra ngày càng nhiều. Hiện tượng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến việc suy dinh dưỡng, mất khả năng lao động của công nhân, đặc biệt dẫn đến nguy cơ bị suy giảm giống nòi cho thế hệ tương lai".
Cũng theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, trong gần 70 cuộc ngừng việc tập thể thời gian qua thì có tới 28 cuộc có nguyên nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn. Ví dụ như việc ngừng việc tập thể của gần 1.000 công nhân tại công ty TNHH T.O (quận Gò Vấp) có nguyên nhân từ bữa ăn có giá 15.000 đồng và công nhân thường xuyên phải ăn cơm thịt cá, rau đã ôi thiu... dẫn đến việc ngừng việc phản đối doanh nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: "Bữa ăn của công nhân hiện nay không chỉ thiếu chất mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc do mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguy cơ đó nằm ở việc chồng các khay thức ăn lên nhau trong suất ăn công nghiệp; thực phẩm công nhân mua tại các chợ tự phát không đảm bảo an toàn; cách chế biến, bảo quản thực phẩm của công nhân chưa đúng cách…"
Từ chất lượng bữa ăn không đảm bảo, nhiều vụ ngộ độc tập thể của công nhân đã xảy ra. Vào ngày 26/8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH United Mechanical khiến nhiều công nhân phải nhập viện. Trước đó, đã có gần 100 công nhân của công ty sản xuất giày da ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng phải nhập viện sau khi bữa ăn chiều với thực đơn gồm các món như thịt xào cải chua, đậu hũ chiên, dưa leo.
Cần những quy định chặt chẽ
Hiện việc tổ chức hoặc hỗ trợ bữa ăn, mức hỗ trợ, ấn định giá trị suất ăn do doanh nghiệp và người lao động quyết định dựa trên bản thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, do quy định của nhà nước chưa chặt chẽ nên các doanh nghiệp đều phó mặc cho các cơ sở tư nhân cung cấp bữa ăn bên ngoài thực hiện. Điều này dẫn đến chất lượng bữa ăn của công nhân không bảo đảm về dinh dưỡng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ có các văn bản mang tính chung chung như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thông tư hướng dẫn mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động trong các DN; Cục An toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng các văn bản về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp… Trong khi đó, công tác giám sát chất lượng bữa ăn tại doanh nghiệp thường được giao cho cán bộ công đoàn cơ sở hoặc cán bộ quản lý hành chính của doanh nghiệp thực hiện. Do vậy, những quy định về chất lượng bữa ăn của công nhân hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Theo ông Định, để nâng cao chất lượng bữa ăn công nhân, trước tiên cần hoàn thiện hệ thống pháp lý với những quy định chặt chẽ về bữa ăn của công nhân. Ví dụ như phải có quy định về mức giá tối thiểu đối với mỗi khẩu phần ăn, có chế tài buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về bữa ăn tập thể của công nhân; các đơn vị cung cấp bữa ăn công nghiệp phải có đầy đủ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp phải kí cam kết với cơ quan quản lý về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các bữa ăn...
Để tiết kiệm chi tiêu, công nhân chọn mua thực phẩm tại các chợ tự phát cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.(Ảnh chụp tại một khu chợ tự phát gần khu chế xuất Linh Trung,Thủ Đức.) |
“Để nâng cao chất lượng bữa ăn công nhân, trước hết phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho phù hợp. Bởi thu nhập không cao thì công nhân cũng không thể mua được thực phẩm đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để công nhân biết cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn, đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu suất ăn tại các đơn vị đảm bảo đúng giá trị, đủ các thành phần dinh dưỡng thì sẽ khắc phục được tình trạng chất lượng bữa ăn eo hẹp như hiện nay của công nhân”, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết.