Mức thưởng Tết cao hơn năm ngoái

Sau một năm làm việc vất vả, người lao động luôn mong chờ tiền thưởng Tết để sắm sửa chi tiêu trong dịp Tết cổ truyền sắp đến. Theo ghi nhận, tại các tỉnh thành, các doanh nghiệp đều có tháng lương thứ 13 cho lao động và mức thưởng Tết cũng cao hơn năm ngoái.

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng lao động đông nhất cả nước, tính đến nay, đã có 1.576 doanh nghiệp báo cáo tình hình tiền lương thưởng Tết Nguyên đán. Nhìn chung, các mức thưởng cao hơn Tết năm ngoái khoảng 5 - 10%, với mức thưởng bình quân là 1 tháng lương thực tế (lương tháng thứ 13). Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh (LĐTBXH), mức thưởng Tết cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người, thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và mức thưởng Tết thấp nhất cũng ở khối doanh nghiệp này, với mức thưởng 134.000 đồng/người. Trong đó, mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, bao bì - nhựa, thăm dò khai thác dầu khí, dược phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn, có mức thưởng tương đối thấp.

Ngoài việc thưởng Tết các doanh nghiệp còn tổ chức tiệc tất niên, tặng vé xe Tết cho người lao động.

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, đến nay, đã có 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo mức thưởng Tết. Trong đó, mức thưởng cao nhất ở loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 400 triệu đồng, mức thấp nhất 3,1 triệu đồng; còn lại trung bình là khoảng 7,7 triệu đồng/người. Với doanh nghiệp Nhà nước, cao nhất là 108 triệu đồng, thấp nhất trên 3 triệu đồng; còn lại trung bình mỗi lao động được thưởng Tết hơn 8,7 triệu đồng. Loại hình doanh nghiệp tư nhân, thưởng cao nhất 30 triệu đồng và thấp nhất khoảng 2,8 triệu đồng; mức trung bình gần 4,8 triệu đồng/người.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, các doanh nghiệp cũng đang gấp rút báo cáo tình hình lương thưởng Tết về các Sở LĐTBXH địa phương. Đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Long An cho biết, đến nay mới có 21/5.500 doanh nghiệp có báo cáo thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân do các DN đang phải điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng và cân đối chi phí theo Luật BHXH mới. Theo đó, mức thưởng Tết cho người lao động cao nhất 73 triệu đồng, thấp nhất 250.000 đồng và trung bình là 5,2 triệu đồng.

Tại Hà Nội, theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách Lao động Việc làm (Sở LĐTBXH Hà Nội), mức thưởng cao nhất và thấp nhấp thuộc nhóm doanh nghiệp FDI. Dự kiến doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng/người, thấp nhất là 450.000 đồng/người. “Nhìn chung mức thưởng Tết của các doanh nghiệp Hà Nội cao hơn năm trước khoảng 1 - 1,5%”, ông Thanh cho biết.

Bên cạnh việc thưởng Tết, nhiều DN còn tổ chức tiệc tất niên cuối năm cho người lao động. Theo Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, có 696 doanh nghiệp (chiếm 57%) ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, tổ chức xe đưa đón, hỗ trợ tàu xe, tặng vé xe. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết: Năm nay, bên cạnh việc thưởng cho mỗi công nhân 2 tháng lương thưởng Tết theo thu nhập thực tế (không phải là mức lương cơ bản sàn sàn mức lương tối thiểu vùng), là mức thưởng Tết tốt nhất trong những năm qua, công ty còn tổ chức 10 chuyến xe đưa công nhân về quê nhà ăn Tết.

Còn anh Nguyễn Trọng Bảo, Giám đốc Công ty lắp ráp cơ khí B.P (thị trấn Tân An, Long An) cho biết, bên cạnh việc thưởng Tết cho người lao động cao hơn năm ngoái, năm nay công ty còn tổ chức 1 bữa tiệc tất niên, tặng quà Tết cho toàn thể người lao động với mức quà là 200 - 300.000 đồng/phần.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để đảm bảo việc chi trả lương thưởng dịp Tết đúng cho người lao động, các tổ chức công đoàn sẽ phân công cán bộ công đoàn giám sát việc trả thưởng cũng như tăng lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác.

“Do kinh tế khởi sắc nên nhìn chung mức thưởng Tết năm nay cao hơn năm trước. Bên cạnh việc báo cáo về tình hình lương thưởng Tết, Bộ LĐ TBXH cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương có giải pháp chăm lo đời sống cho công nhân lao động, nhất là những lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, để tất cả người lao động đều có Tết”. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH


Xuân Minh - Hoàng Tuyết
Thưởng Tết cho giáo viên, “khéo co thì ấm”
Thưởng Tết cho giáo viên, “khéo co thì ấm”

Ngành giáo dục bao năm nay vẫn không có “lệ” thưởng Tết cho giáo viên tháng lương thứ 13 như các ngành khác. Nhưng bằng sự “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, từ nguồn này, nguồn khác, các trường cũng cố thu xếp được một khoản tiền chi Tết cho giáo viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN