Trao đổi với báo chí tại buổi công bố bản tin thị trường lao động, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: Mức tăng mà bộ phận kỹ thuật (Cục Quan hệ lao động và tiền lương) đề xuất khoảng 5%. Trước phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia lần 2, Bộ cũng đã làm việc với một số Hiệp hội ngành nghề và cũng nhận được phẩn hồi mức tăng khoảng 5% là hợp lý. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể ra sao phụ thuộc vào việc đàm phán của các bên. Nếu các bên không thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng, các bên sẽ đàm phán tiếp phiên thứ 3 và sẽ chốt mức tăng trong tháng 7.
“Phiên thứ nhất Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp tháng 6/2019, các bên đã đưa ra quan điểm, cách tính về tiền lương tối thiểu để đáp ứng mức sống tối thiểu. Trong đó tỷ lệ giữa nhu cầu lương thực và phi lương thực giữa các bên còn khác nhau”, ông Doãn Mậu Diệp thông tin.
Trước đó, trong tháng 6, phiên thứ nhất về lương tối thiểu vùng 2020 đã dừng lại ở khoảng cách 5 % giữa các đề xuất tăng từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động đề xuất tăng 8 % và VCCI đại diện cho người sử dụng lao động đề xuất tăng 3 %.
Thông tin về đề xuất của Tổng LĐLĐ, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, thành viên đoàn đàm phán lương tối thiểu 2020 cho biết: Tổng LĐLĐ đề xuất dựa trên nhiều cứ liệu thực tế. Tới nay, chỉ số GDP tăng khoảng 7 %, năng suất lao động cũng tăng xấp xỉ 6%. Đây là 2 chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020. Lương tối thiểu đủ sống là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào CPTPP và EVFTA. Nhiều nhãn hàng quốc tế cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu doanh nghiệp trả lương đủ sống cho người lao động. Tăng lương tối thiểu để người lao động đủ sống cũng là cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng tốt hơn.
Còn đại diện VCCI cho rằng việc tăng lương tối thiểu ở mức nhất định, mức lương người lao động phụ thuộc vào vị trí việc làm và dựa trên thỏa ước lao động.
Các chuyên gia lao động nhận định, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ tăng nhưng sẽ tăng ở mức vừa phải để hài hòa giữa mức sống tối thiểu của lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Năm 2018, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề xuất với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP về công bố mức lương tối thiểu vùng năm 2019, điều chỉnh từ 1/1/2019 bình quân tăng 5,3% so với 2018 (vùng 1 là 4,18 triệu đồng; vùng 2 là 3,71 triệu đồng; vùng 3 là 3,25 triệu đồng và vùng 4 là 2,92 triệu đồng).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 đã đáp ứng trên 95% so với mức sống tối thiểu của người lao động. Theo đó, để mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, theo nhóm chuyên gia, năm 2020 cần điều chỉnh mức lương tối thiểu bình quân là 4,8%.