Chỉ tính từ ngày 11/12 đến 7 giờ ngày 16/12, lượng mưa trên địa bàn Quảng Nam phổ biến từ 30mm đến 800mm; tại trạm Trà My là 686mm, tại Hiệp Đức là 818mm, Nông Sơn 639mm, Tiên Phước 667mm…
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, hiện mực nước trên các sông Vu Gia – Thu bồn đang ở khoảng trên dưới báo động II và báo động III. Dự báo đến chiều 16/12, mực nước trên các sông sẽ xuống chậm: trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa vào mức 8,7m, dưới mức báo động III khoảng 0,3m; trên sông Thu Bồn ở mức 7,9m, trên mức báo động II khoảng 0,4m, trên sông Câu Lâu khoảng 4,1m, trên mức báo động III khoảng 0,1m…
Khu vực chùa Cầu phố cổ Hội An bị nước lũ bao vây. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN. |
Ông Trương Tuyến, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cho biết: do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên nghị người dân trên địa bàn tỉnh cần chủ động ứng phó với mưa lũ, không chủ quan để tránh xảy ra những hậu quả không may xảy ra.
Do mưa lũ diễn ra trên diện rộng, cộng với hàng loạt nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ nên đã gây thiệt hại nặng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê ban đầu, tính đến sáng 16/12, đã có khoảng 1.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó chủ yếu là tại các huyện, thành phố như Nông Sơn, Đại Lộc, Hội An…; có khoảng 4.000 ha hoa màu bị ngập nước tại các huyện như Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn, Hội An…
Mưa lũ cũng đã làm sạt lở nhiều tại tuyến quốc lộ 40B: sạt lở taluy dương, tổng khối lượng sạt lở khoảng 25.000m3, trong đó nặng nhất là từ km 100 đến km 141+080; nhiều cống, ngầm trên tuyến quốc lộ 40B bị ngập gây ách tắc giao thông như ngầm km 38+400, ngầm Sông Trường, ngầm Nước Oa; trên tuyến ĐT 606 đoạn qua huyện Tây Giang bị sạt lở ta luy dương với tổng khối lượng khoảng 1.700m3; tuyến ĐT 611 tại km 27+950 sạt lở ta luy âm dài 27m.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven biển, vùng trũng thấp, vùng có đường cao tốc đi qua… để có phương án di dời dân khi có tình huống xấu xảy ra. Nghiêm cấm đánh bắt cá, vớt củi trên sông, tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ, đồng thời tiến hành quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố…
Theo số liệu thống kê đến 7 giờ ngày 16/12, một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục xả lũ, tuy nhiên, lưu lượng có giảm hơn so với đêm ngày 15/12. Cụ thể, tại thủy điện A Vương, lượng nước về hồ là 344,7 m3/s, lượng xả qua tràn và chạy máy là 247,1m3/s; tại thủy điện Đăk Mi 4, lượng nước về hồ là 992,2m3/s, lượng xả qua tràn và chạy máy là 1.020m3/s; tại thủy điện Sông Bung 4, lượng nước về hồ là 1.007m3/s và lượng xả qua tràn và chạy máy là 1.077m3/s; tại thủy điện Sông Tranh 2, lượng nước về hồ là 3.097m3/s, lượng xả qua tràn và chạy máy là 3.097m3/s.