Điển hình điểm đo tại Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 406, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 358,9. Điểm đo tại Trung tâm NetNam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, quận Cầu Giấy có chỉ số 392, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 338,9. Điểm đo tại khu Vườn Dâu - Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có chỉ số 319, chỉ số bụi mịn PA 2.5 là 281,2... Đây là mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất, nguy hiểm tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.
Một số khu vực khác của thành phố Hà Nội, ở mức ô nhiễm thấp hơn nhưng vẫn ở mức có hại cho sức khỏe như điểm đo: Chùa Láng (quận Đống Đa) có chỉ số 272; điểm đo tại Đội Cấn (quận Ba Đình) là 267; điểm đo tại Trường Mầm non Việt - Bun (quận Hai Bà Trưng) là 264, điểm đo Colibri Hà Nội (quận Tây Hồ) là 262… Tại mức chỉ số 201 - 300, ô nhiễm không khí rất có hại, cảnh báo tình trạng khẩn cấp tới sức khỏe người dân trong khu vực.
Bên cạnh đó, điểm đo tại TITA Hòa Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, chỉ số ô nhiễm không khí tiếp tục ở mức 500. Điểm đo này ghi nhận mức chỉ số ô nhiễm cao nhất trong nhiều ngày qua.
Theo các chuyên gia khí tượng, ô nhiễm không khí vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố. Những ngày qua, khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội duy trì thời tiết hanh khô khiến lượng bụi mịn trong không khí duy trì lâu hơn; liên tục có sương mù vào tối, đêm, sáng sớm làm lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí cũng là nguyên nhân khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.