Gặp ông Phạm Hoàng Thắng trong một lần tới Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến đi Trung Quốc với các bản hợp đồng bán máy nông nghiệp, tôi có cảm nhận vẻ bề ngoài của ông đúng với tên gọi “nhà sáng chế của nông dân”, ông vui vẻ, dễ gần và hồ hởi tiếp chuyện khi được hỏi về những sáng chế trên đồng ruộng của mình, nhất là khi nói về quá trình sáng chế chiếc máy gặt đập thương hiệu Hoàng Thắng đang được nhiều vùng trồng lúa trên cả nước sử dụng.
Chiếc máy gặt đập liên hoàn của ông Phạm Hoàng Thắng. |
Ông Thắng kể: “Từ năm 2006, tôi đã có ý định sẽ sáng tạo ra chiếc máy vừa gặt, vừa có thể đập lúa ngay trên cánh đồng và có thể sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi. Thời điểm đó, máy gặt đập lúa tuy đã có nhưng vì phải nhập từ nước ngoài với giá rất đắt nên phần lớn người nông dân không thể mua nổi”.
Từ quyết tâm đó, ông Thắng bắt tay vào đầu tư thời gian, công sức để tìm cách chế tạo. Từ chỗ tìm hiểu, “mổ xẻ” nghiên cứu các mẫu máy nông nghiệp của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông đã tìm ra nguyên lý hoạt động cho chiếc máy gặt đập của mình. Sau hơn 3 năm, ông đã chế tạo thử được 3 mẫu máy và mẫu thứ 3 với bề rộng hàm cắt 1,8 m đã giúp ông thành công khi tham gia và đạt giải Khuyến khích tại “Hội thi máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa vùng ĐBSCL năm 2009”.
Không dừng lại ở đó, ông Thắng tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cho chiếc máy có nhiều tính năng hơn. Sau nhiều lần cải tiến, hình thức của máy không chỉ gọn nhẹ, mà hiệu suất sàng lọc ổn định, giảm thiểu được thất thoát trong thu hoạch lúa. Máy cũng thích hợp được với nhiều loại đồng ruộng có địa hình khác nhau. Máy hoạt động tốt trên đồng ruộng sình lầy, gặt được lúa ngã đổ, ít bị hao hụt hơn 2% so với máy nhập ngoại, hạt lúa thu hoạch sạch đẹp đến 95%. Đặc biệt, qua thực tế sử dụng cho thấy máy làm việc rất ổn định, ít bị hỏng hóc. Sử dụng máy gặt đập làm tăng thu nhập cho người lao động nông thôn bình quân khoảng 500.000 đồng/ngày. Nếu một người gặt được 0,1 ha/ngày, thì sử dụng máy gặt đập liên hợp sẽ cho năng suất là khoảng 5 ha/ngày.
Sáng chế máy gặt đập liên hoàn của ông Thắng đã giúp nhiều nông dân không chỉ ở đồng bằng Nam Bộ mà cả ở miền Trung và Bắc Bộ giảm được nhiều chi phí và công sức lao động trong quá trình thu hoạch lúa.
Ông Thắng chia sẻ: “Từ khi được công nhận sáng chế đến nay cơ sở của tôi đã bán được khoảng hơn 100 chiếc máy gặt đập. Giá thành của chiếc máy gặt đập hiện nay vào khoảng 300 triệu đồng/máy, rẻ hơn rất nhiều so với máy nhập ngoại, tuy nhiên, vẫn còn khá cao so với thu nhập của người nông dân. Do đó, cơ sở của tôi chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng chứ chưa thể sản xuất hàng loạt”.
Cứ như vậy, những chiếc máy của ông Thắng xuất hiện nhiều hơn trên những cánh đồng, thửa ruộng, giúp người nông dân đỡ nhọc nhằn. Cũng bởi vậy mà ông không chỉ được ngưỡng mộ mà còn được gọi thân mật là “nhà sáng chế của nông dân”.
Nhờ những cải tiến sáng tạo, chiếc máy gặt đập này đã liên tục mang đến những thành tích đáng nể cho ông Phạm Hoàng Thắng như: Đạt giải nhất khi tham gia Cuộc thi sáng chế do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức năm 2013; được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục: "Chiếc máy gặt, đập lúa đạt nhiều giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”; đặc biệt, được Hội đồng khoa học Đại học Kỷ lục Thế giới công nhận và cấp bằng Tiến sĩ vào cuối năm 2015.
Nói về tâm huyết của mình, ông Thắng cho biết: “Việc đầu tư máy móc hiện đại đang là một xu thế tất yếu, phù hợp với nền sản xuất hàng hóa bền vững. Vì vậy, chúng ta đang rất cần những sáng chế để có thể cải tiến phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay để mang lại hiệu quả cao. Bản thân tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa để có thể chế tạo được nhiều sản phẩm hơn và nhất là cải tiến các sản phẩm nghiên cứu của mình để có thể giảm giá thành, khi người nông dân được tiếp cận những máy móc này họ đã được giải phóng sức lao động rất nhiều”.