Hiện tượng nhiều tuyến đường giao thông bị sụt lún tạo nên những hố sâu 2 - 3 m đã gây lo lắng cho người dân. Nhiều vụ sụt lún đất xảy ra gần đây, tại huyện Trần Văn Thời làm tuyến đường bê tông tại xã Khánh Hải có chiều dài sụt lún 29 m, ngang 5 m. Tại xã Khánh Bình cũng xảy ra vụ sụt lún đất ven sông, chiều dài 20 m, ngang 7 m, gây hư hỏng tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền hai xã Khánh Bình và Khánh Bình Đông.
Theo người dân địa phương, hầu hết các vụ sụt lún đất thường xảy ra bất ngờ vào ban đêm tạo nên nhiều “hố tử thần", khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng. Bà Quách Thị Sánh (ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: "Hàng trăm năm nay, gia đình tôi chưa từng chứng kiến cảnh sụt lún đường bê tông đến mức nghiêm trọng như vậy. Các hộ dân lo lắng ăn, ngủ không yên giấc, bởi trên tuyến đường này đang xuất hiện nhiều vết rạn nứt rất sâu, nguy cơ xảy ra sụt lún bất cứ lúc nào. Tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân nơi đây đang bị đe dọa do sụt lún đất trong mùa khô hạn".
Ông Trần Quốc Yên (ấp 5, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) bày tỏ: Vụ sụt lún nghiêm trọng vào ngày 15/4, tại ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình tạo nên một hố sâu gần 3 m, chiều dài 25 m, ngang 8 m, mà người dân gọi là “hố tử thần". Vụ sụt lún đất này làm tê liệt tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền từ xã Khánh Bình về trung tâm xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Khi đó, các tuyến kênh, mương đều cạn khô nên các doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất trong việc vận chuyển hàng hóa (nước đá, xăng, dầu, thực phẩm, nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng...) về xã phục vụ nhu cầu của người dân. Thậm chí, khi người dân bị ốm đau, bệnh tật hoặc tổ chức ma chay, cưới hỏi cũng gặp rất nhiều trở ngại vì tuyến đường bị sụt lún lâu ngày nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng đầu tư sửa chữa.
Trước tình hình sụt lún, sạt lở đất nghiêm trọng tại Cà Mau, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến thị sát tìm hiểu, đánh giá về nguyên nhân sạt lở kênh mương và sụt lún nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, do khô hạn đã làm kết cấu các tầng bị yếu, cộng với việc xây cất nhà cửa và công trình kiên cố bên trên, tạo sức tải lớn trên vùng đất này, dẫn đến việc sụt lún đất liên tiếp xảy ra trên diện rộng, rất phức tạp.
Vụ sụt lún đất nghiêm trọng tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời tạo nên hố sâu gần 3 m. |
Tuy nhiên, thực tế một số vụ sụt lún không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, mà có bàn tay tác động của người dân. Ông Lý Văn Của, Trưởng ban Nhân dân ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời bức xúc nói: "Vào mùa mưa, người dân sử dụng máy khoan lấy đất dưới kênh mương để bồi đắp cho mảnh vườn hoặc nền nhà, dẫn đến hệ lụy nhiều tuyến đường nhanh chóng bị sụt lún. Chính quyền địa phương đang tiếp tục cố gắng tuyên truyền, vận động người dân không được khoan đất ở gần tuyến đường giao thông, để tránh sụt lở đất ven kênh mương và công trình giao thông".
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để khắc phục hậu quả sụt lún, sạt lở đất trong thời gian tới, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương phối hợp khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình thiệt hại do hạn hán gây ra làm rạn nứt, sụt lún nền mặt đường, đất kênh mương, thiệt hại nhà cửa và đất sản xuất của nhân dân... Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ có cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục, nhất là nguồn vốn phục vụ đầu tư duy tu, sửa chữa, gia cố các công trình đường giao thông nông thôn đang bị hư hỏng do sụt lún.