Lựa chọn mới thay thế màng bọc thực phẩm

“Tôi tìm mua hộp thủy tinh để cất đồ ăn trong tủ lạnh hoặc hâm nóng qua lò vi sóng. Như vậy vừa thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe”, chị Đinh Thị Huyền (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ sau khi quyết định từ bỏ màng bọc thực phẩm.

Chú thích ảnh
Có nhiều sản phẩm mới trên thị trường hiện nay để thay thế màng bọc thực phẩm. Ảnh: buymeonce

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng quyết định sử dụng các sản phẩm mới hữu dụng và an toàn hơn thay thế màng bọc thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp Mỹ từng khuyến khích người dân chỉ nên sử dụng thủy tinh, đồ gốm sứ với lò vi sóng. Không nên sử dụng màng bọc thực phẩm đối khi hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Ngoài ra, việc dùng màng bọc thực phẩm bao bọc cà rốt, dưa chuột, đậu đũa vì sẽ khiến hàm lượng vitamin C của những củ, quả này giảm đi nhiều.

Rác thải nhựa cũng là vấn đề nhức nhối toàn cầu hiện nay do vậy việc hạn chế sử dụng màng bọc thực phẩm được coi là động thái thân thiện với môi trường.

Dưới đây là những giải pháp từ đơn giản cho tới sáng tạo để thay thế việc sử dụng màng bọc thực phẩm:

Nắp silicon

Chú thích ảnh
Nắp silicon là một phát minh khá hữu dụng. Ảnh: Gumtree

Nắp silicon có thể bao vừa viền đĩa và bát to. Silicon về cơ bản không phải là nhựa và dường như có “tuổi thọ” tốt hơn. Ngoài ra silicon còn chịu được nhiệt độ cao tốt do vậy có thể sử dụng trên chảo nóng. Điểm trừ là silicon không thể tái chế nên đây có lẽ chưa thực sự là giải pháp tối ưu với căn bếp khi bạn đang cố gắng "sống xanh".

Dùng đĩa và bát

Chỉ cần cho thức ăn thừa lại vào bát, sau đó úp đĩa lên là người sử dụng có thể cất trữ trong tủ lạnh. Điểm cần lưu ý là lựa chọn loại đĩa có kích thước phù hợp với bát đựng thực phẩm để tránh trường hợp lọt mùi thức ăn vào tủ lạnh. Lựa chọn sử dụng đĩa và bát này khá thuận tiện với những thứ sẵn có trong gian bếp.

Lọ, hũ thủy tinh

Chú thích ảnh
Lọ thủy tinh cũng là một lựa chọn được đánh giá cao. Ảnh: wellandgood

Hộp thủy tinh không chỉ bảo quản thức ăn tốt mà chúng còn khả năng chịu nhiệt cao, sử dụng được trong lò vi sóng.

Người sử dụng chỉ cần cho thức ăn thừa vào hộp, đóng nắp lại là có thể cất gọn trong tủ lạnh. Khi muốn làm nóng phần thức ăn còn dư thì người sử dụng chỉ cần tháo nắp và cả lọ thủy tinh vào lò vi sóng hâm lại là xong.

Bọc thực phẩm sáp ong

Chú thích ảnh
Bọc thực phẩm sáp ong được nhiều người sử dụng tin tưởng. Ảnh: Mothering

Bọc thực phẩm sáp ong vốn là vải coton được phủ sáp ong, đôi khi được bổ sung thêm dầu jojoba và dầu thông để vật liệu mềm hơn. Ngoài ra, bọc thực phẩm dùng sáp candelilla và đậu nành cũng xuất hiện trên thị trường. Cả hai loại bọc thực phẩm mới này đều phải giặt bằng tay để tái sử dụng. Chúng không thích hợp bọc cá, thịt sống hoặc thức ăn còn nóng. Qua nhiều lần sử dụng, phần sáp sẽ phai dần nhưng có thể tái phủ lại.

Khi khảo sát trên thị trường, có thể tìm thấy bọc thực phẩm sáp ong được bán trên các trang mạng mua sắm trực tuyến như shopee với giá thành vào khoảng 50.000/tấm. Đơn vị bán hàng khẳng định rằng màng bọc thực phẩm làm từ nguyên liệu 100% an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, kháng khuẩn tốt giúp thực phẩm tươi ngon lâu hơn.

Chị Phạm Thị Thu Hằng (31 tuổi) tại Đống Đa chia sẻ đã mua 5 tấm bọc thực phẩm sáp ong. Theo chị Hằng, ưu điểm của bọc thực phẩm sáp ong là thân thiện với môi trường, có thể phân hủy trong 6 tháng và bảo đảm an toàn sức khỏe khi có nguồn gốc thành phần tự nhiên.

Hà Linh/Báo Tin tức
Sử dụng màng bọc thực phẩm không đúng cách có thể gây hại
Sử dụng màng bọc thực phẩm không đúng cách có thể gây hại

Màng bọc thực phẩm đã phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây, được sử dụng rộng rãi từ vùng nông thôn cho đến thành thị. Tuy nhiên, sử dụng màng bọc thực phẩm sai cách có thể vô tình dẫn đến tác hại cho sức khỏe người dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN