Thói quen không nên duy trì
Chị Hàn Lan Hương (29 tuổi) sống tại Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ để tiện nghi, chị thường dùng màng bọc thực phẩm bọc thức ăn thừa và để trong tủ lạnh sau đó đưa thẳng vào lò vi sóng hâm nóng trước các bữa ăn sau đó. Tuy nhiên, các chuyên gia thường khuyến cáo không nên duy trì thói quen để nguyên màng bọc thực phẩm hâm nóng trong lò vi sóng như vậy.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Khôi, Trưởng Phòng Vật liệu polyme, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng là một sai lầm, bởi màng bọc thực phẩm được chế tạo từ các nguyên liệu nhựa tổng hợp, hoặc nhựa tái chế và nhiều loại chất hóa dẻo phụ gia. Các chất hóa học này nếu ở môi trường nhiệt độ cao sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng và giảm chất lượng của bề mặt thực phẩm khi tiếp xúc với màng bọc thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ từng đưa ra chỉ dẫn về việc sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng. Cơ quan này khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng thủy tinh, đồ gốm sứ với lò vi sóng. Trong khi đó sản phẩm từ nhựa lại cần loại sản xuất dành riêng cho lò vi sóng. Màng bọc thực phẩm không phải là lựa chọn hợp lý để sử dụng trong lò vi sóng và không nên để chúng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm khi quay nóng trong lò vi sóng.
Một điểm đáng chú ý khác là không sử dụng màng bọc thực phẩm đối với thức ăn còn nóng trên 70 độ C. Ngoài ra, không dùng bọc cà rốt, dưa chuột, đậu đũa vì sẽ khiến hàm lượng vitamin C của những củ, quả này giảm đi nhiều.
Những thực phẩm nhiều chất béo như phomai, thịt mỡ… không nên tiếp xúc với màng bọc khi cho vào lò vi sóng ở nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, không an toàn khi dùng màng bọc thực phẩm trong thiết bị nhiệt độ cao có thể khiến nó hóa lỏng và chảy vào thức ăn như lò nướng.
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quy định mức tối đa là 1% PVC từ màng bọc thực phẩm “trôi” vào thức ăn. Ở mức này người sử dụng sẽ không bị đầu độc bởi màng bọc thực phẩm. Nhựa PVC là vật liệu phổ biến dùng để sản xuất màng bọc thử phẩm. Về cơ bản, PVC khá cứng và không mềm dẻo do vậy các nhà sản xuất thường bổ sung thêm chất làm dẻo để khiến màng bọc thực phẩm mềm và linh hoạt hơn.
Lựa chọn của người tiêu dùng
Việc lựa chọn và sử dụng đúng cách màng bọc thực phẩm để bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Điểm quan trọng nhất là người mua cần chú ý đến hướng dẫn sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất.
Khảo sát tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội có thể thấy mặt hàng màng bọc thực phẩm rất đa dạng, trong đó có một số loại được cảnh báo rõ trên bao bì là không sử dụng với lò vi sóng hoặc sản phẩm có chất béo trên bề mặt… Bao bì của những loại màng bọc thực phẩm này đều ghi rõ sản phẩm làm từ nhựa PE hay PVC.
Người tiêu dùng cũng nên chú trọng chọn loại màng bọc thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng có tên, địa chỉ của nhà sản xuất, đã được cơ quan chức năng chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm.
Theo Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, trên thị trường hiện nay có nhiều loại màng bọc thực phẩm với các chất liệu nhựa chủ yếu từ PVC và PE. Dấu hiệu chủ yếu để phân biệt một số loại màng bọc thực phẩm từ các vật liệu như sau:
(i) Màng PVC: có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc.
(ii) Màng PE: có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy.
Tại một số chợ đầu mối và chợ cóc, có những loại màng bọc thực phẩm được bán với kích thước lớn, giá rẻ nhưng không rõ nguồn gốc do vậy người mua nên cẩn trọng khi sử dụng loại màng bọc này.
Ngoài ra, người sử dụng có nhiều lựa chọn tin tưởng hơn nếu cảm thấy chưa tin tưởng màng bọc thực phẩm, đó là bọc thực phẩm sáp ong, nắp silicon, lọ thủy tinh… Đây là những giải pháp thay thế được đánh giá vừa an toàn vừa thân thiện với môi trường.