Lò đốt rác tiền tỷ hoạt động được 3 ngày, bỏ hoang 3 năm

Lò đốt rác ở xã Xuân Bình, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) được xây dựng với nguồn kinh phí 11,3 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp môi trường. Khi hoàn thành dự án, huyện Như Xuân bàn giao cho xã quản lý đưa vào vận hành và sử dụng. Tuy nhiên, lò đốt rác chỉ hoạt động được 3 ngày, xử lý được vài xe rác rồi bỏ không 3 năm nay. Thực trạng này gây lãng phí tiền của và tài nguyên đất đai.

Chú thích ảnh
Lò đốt rác không hoạt động nên rác phải đốt thủ công. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Dự án lò đốt rác do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư và được khởi công vào tháng 8/2018, đến tháng 12/2019 hoàn thiện; có công suất xử lý 7-9 tấn rác/ngày. Khi đi vào hoạt động, công trình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, xã Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các hạng mục của lò đốt có trị giá hơn 11 tỷ đồng nhưng sơ sài, hư hỏng, xuống cấp. Do hơn 3 năm không được đưa vào sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nên lò đốt rác đã bị hoen rỉ, dây cáp néo ống khói bị đứt, cột ống khói bị đổ gãy. Bốn khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt bỏ hoang, hư hỏng, dột nát. Ổ điện nhiều chỗ bị vỡ, dễ xảy ra tình trạng rò rỉ điện. Trong khuôn viên của lò đốt rác, rác thải được tập kết ngổn ngang do thu gom từ trước nhưng chưa được xử lý.

Theo ông Ngô Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, công trình xử lý rác chưa phát huy được hiệu quả, bởi nhu cầu của dân thu gom rác không nhiều. Ở đây là khu vực miền núi, nhà rộng, người thưa nên người dân có thể tự thu gom, chôn lấp trong vườn hoặc tự đốt rác.

Chú thích ảnh
Lò đốt rác bỏ hoang 3 năm nay. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Ông Lò Văn Yêu, một người dân trên địa bàn xã Xuân Bình cho biết: Không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ khác trên địa bàn xã đã đào hố trong vườn để chôn lấp rác sinh hoạt. Với những loại rác khó phân hủy như túi ni-lông, chai nhựa thì cứ khoảng nửa tháng nhà ông lại tập trung đốt một lần. Vì vậy, việc bỏ ra một khoản tiền 12.000 đồng/tháng để thu gom rác đối với gia đình ông là chưa thực sự cần thiết.

Trước khi triển khai dự án, xã đã khảo sát và kết quả cho thấy, có rất ít hộ đăng ký được thu gom rác (khoảng 500 hộ, chiếm 16% số hộ trên địa bàn xã). Các hộ đăng ký thu gom rác tập chung chủ yếu ở các thôn dọc tuyến quốc lộ Nghi Sơn - Bãi Chành. Ông Lê Văn Long, Giám đốc Ban Dự án đầu tư xây dựng huyện Như Xuân cho biết: Có hai nguyên nhân chính dẫn đến lò đốt rác hoạt động không hiệu quả là số hộ đăng ký thu gom rác ít; trong khi đó, số tiền thu gom rác thấp (4.000 đồng/khẩu) nên đơn vị thu gom rác không đủ kinh phí để vận hành, bảo dưỡng, dẫn đến lò đốt rác bị bỏ hoang.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, huyện Như Xuân sẽ cân đối nguồn ngân sách để sửa chữa lại những hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp; đồng thời chọn một doanh nghiệp để bàn giao việc thu gom, xử lý rác thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, tài nguyên đất đai và gây bức xúc trong nhân dân.

Duy Hưng - Nguyễn Nam (TTXVN)
TP Bắc Kạn lý giải việc tạm dừng xử lý rác thải bằng lò đốt
TP Bắc Kạn lý giải việc tạm dừng xử lý rác thải bằng lò đốt

Do hụt thu ngân sách nên TP Bắc Kạn không cân đối đủ nguồn ngân sách để thực hiện xử lý rác thải bằng công nghệ đốt thường xuyên. Từ tháng 7/2018, UBND TP Bắc Kạn đã tạm dừng ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn về việc xử lý rác thải bằng công nghệ đốt mà tiến hành xử lý bằng hình thức chôn lấp trong 4 tháng mùa mưa (7, 8, 9, 10/2018). Sự việc trên gây ra nhiều luồng thông tin trái chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN