Không có biện pháp nào xử lý hiệu quả, rác thải từng ngày ùn ứ, chất cao thành đống. Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, hơn 11.000 người dân trong xã phải sống chung với bãi rác lộ thiên nằm ngay gần khu dân cư, ngày đêm bốc mùi hôi thối, khó chịu, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và sức khỏe của người dân.
Bãi rác xã Vũ Hội nằm ngay sát con đường dẫn vào thôn Đức Lân và thôn Hiếu Thiện. Cách đó khoảng 100 mét là Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trạm Y tế xã Vũ Hội. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi lần đi qua đây người dân đều phải qua thật nhanh, những hộ dân sống xung quanh khu vực bãi rác luôn bị mùi hôi từ bãi rác xộc thẳng vào nhà.
Ông Vũ Ngọc Chỉnh (thôn Hiếu Thiện, xã Vũ Hội) cho biết, theo hướng gió, mùi hôi thối từ bãi rác bay vào nhà kèm theo cả ruồi, nhặng khiến gia đình ông không dám mở cửa, có thời điểm phải bịt cả khẩu trang để ngủ.
Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm nay, đặc biệt từ khi lò đốt không sử dụng được nữa, rác thải tồn đọng nhiều, mùi hôi thối lại càng nồng nặc và nghiêm trọng hơn.
Cùng chung nỗi bức xúc như ông Chỉnh, chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Hiếu Thiện, xã Vũ Hội) chia sẻ: Mỗi ngày 4 lượt đưa đón con đi học qua khu vực này, mùi từ bãi rác bốc lên khiến người lớn còn không chịu được, huống chi trẻ nhỏ.
Đặc biệt, bãi rác này chỉ cách trường Tiểu học, nơi con chị theo học khoảng 100 mét, mùi hôi thối bay vào trường là không tránh khỏi.
Tình trạng này kéo dài khiến chị càng thêm lo lắng. Đã nhiều lần, người dân địa phương bức xúc, gửi kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền song đến nay tình trạng hôi thối từ bãi rác, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xã Vũ Hội vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Xã Vũ Hội nổi tiếng là làng nghề làm bún bánh của tỉnh Thái Bình với trên 4.400 hộ dân, khoảng 11.000 nhân khẩu. Trung bình mỗi ngày lượng rác thải phát sinh trên địa bàn từ 8 - 10 tấn/ngày.
Để giải quyết bài toán xử lý rác thải, năm 2014, xã Vũ Hội đã được UBND tỉnh Thái Bình đầu tư 500 triệu đồng xây dựng một lò đốt rác thải với công suất thiết kế khoảng 5-6 tấn/ngày. Nhưng không được bao lâu, lò đốt này đã “đắp chiếu”, không thể sử dụng.
Lò đốt nằm phơi nắng mưa suốt gần 2 năm qua. Đến nay, hệ thống đốt chỉ còn trơ khung, không còn máy móc.
Bà Vũ Thị Khánh (thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội) tham gia Đội thu gom, xử lý rác thải của xã được gần 10 năm nay. Bà cho biết, đội có 7 thành viên, trong đó có 2 người xử lý rác trực tiếp tại bãi rác, 5 người thực hiện thu gom từ các khu dân cư.
Tháng 9/2014, lò đốt rác đi vào hoạt động, nhưng ngay sau đó không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là do lò quy mô nhỏ, trong khi lượng rác thải quá lớn, mặt khác rác còn ẩm cũng không thể đốt được. Trung bình mỗi ngày với hai lao động chỉ có thể sàng lọc và phơi đốt được một xe rác thải sinh hoạt, còn lại phải phơi chất đống tại bãi.
Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết, mặc dù công suất thiết kế là 5-6 tấn/ngày nhưng thực tế lò đốt này chỉ đốt được tối đa 1 tấn/ngày. Vì vậy sau 3 năm hoạt động, đến nay, lò đốt rác này không sử dụng được nữa.
Lượng rác tồn dư lớn khiến địa phương phải 2 lần mở rộng diện tích bãi rác, từ 2.500 m2 lên 4.500m2. Tuy nhiên, diện tích này vẫn không đủ chứa rác nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, triệt để.
Hiện nay, rác thải tại xã Vũ Hội đã chất thành đống, cao quá đầu người. Vào những ngày nắng, đội thu gom và xử lý rác của xã lại mang ra đốt thủ công, khiến tình trạng hôi thối, khói bụi lan vào các khu dân cư lại thêm trầm trọng. Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết thêm, vấn đề ô nhiễm từ bãi rác thải trên địa bàn xã đã kéo dài nhiều năm nay.
Chính quyền địa phương đã nghiên cứu phương án giải quyết, trong đó tính đến việc sử dụng công nghệ lò đốt của Công ty Cổ phần Thành Đạt đã áp dụng mô hình lò đốt hiệu quả tại huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình).
Tuy nhiên, mô hình này có quy mô lớn, xử lý lượng rác thải nhiều, hướng xử lý đốt rác theo quy mô liên xã là hợp lý, trong khi người dân địa phương không đồng tình với phương án tập trung rác thải các xã lân cận về xử lý tại đây.
Giải pháp hiện nay được chính quyền xã Vũ Hội thực hiện dự kiến trong năm 2019, xã sẽ đầu tư một lò đốt mới trị giá khoảng 4 - 5 tỷ đồng thay thế cho lò đốt cũ hiện nay, phù hợp với quy mô và lượng rác thải phát sinh tại địa bàn. Nguồn kinh phí lấy từ việc quy hoạch và đấu giá quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều hộ dân nơi đây lo lắng là nếu công nghệ mới nhưng bãi rác vẫn nằm tại vị trí cũ, gần khu dân cư như hiện nay, liệu vấn đề ô nhiễm có được giải quyết triệt để? Bởi theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn, bãi chôn lấp rác thải quy mô nhỏ và vừa phải cách 15 hộ dân cuối hướng gió chính tối thiểu là 1.000m, các hướng khác tối thiểu là 300m.
Thực tế trong khi chờ đợi nguồn kinh phí và giải pháp hiệu quả từ cơ quan chức năng, hàng ngày, hơn 4.400 hộ dân xã Vũ Hội vẫn phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc kéo dài.