Bệnh viện đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu nhà cung cấp khắc phục tuy nhiên sau nhiều lần sửa chữa, cụm lò này vẫn không thể hoạt động, gây lãng phí lớn.
Lò đốt rác thải Y tế bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi Trường Kon Tum |
Với mong muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh lây lan các mầm bệnh và các chất thải nguy hại khác quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, năm 2012 “Dự án Cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế” được tỉnh Kon Tum cho chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 34,3 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Dự án do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng gồm hai hạng mục chính là xây dựng lại toàn bộ hệ thống nước thải từ khu điều trị, làm việc và khu xử lý kỹ thuật về bể thu gom, sau đó xử lý nước theo quy trình xử lý nước thải bằng thiết bị AAO. Hạng mục thứ hai là lắp đặt hai lò đốt rác thải y tế rắn.
Theo phụ lục hợp đồng thực hiện dự án, khu xử lý nước thải hợp khối FRP của Nhật Bản có giá trị hơn 21,9 tỷ đồng, còn hai lò đốt rác thải y tế của hãng Chuwastar - Nhật Bản có giá hơn 3,1 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm nay, từ khi tiến hành xây lắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, cụm hai lò đốt rác thải y tế rắn có giá trị hơn 3,1 tỷ đồng vẫn nằm “đắp chiếu”.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Võ Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: Sau khi lắp đặt xong và nghiệm thu đưa vào sử dụng, hệ thống lò đốt này đã hư hỏng và không thể sử dụng được. Để khắc phục, chúng tôi đã gửi công văn yêu cầu nhà cung cấp là Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC (trụ sở tại Hà Nội) tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên sau nhiều lần sửa chữa vẫn không thể vận hành được do các chỉ số về môi trường vượt ngưỡng chuẩn cho phép.
Để xử lí khối lượng rác thải y tế hàng ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang phải “gồng mình” đốt tăng ca với hệ thống đã vận hành hơn 17 năm qua.