Linh hoạt hỗ trợ giảm nghèo bền vững

TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu cả nước trong việc phát triển kinh tế và cũng là điểm sáng trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Bằng nhiều giải pháp đi vào đời sống, Thành phố đã hỗ trợ những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó quận 5 là một trong những quận đã đi tiên phong, với những cách làm hiệu quả.


Điểm sáng quận 5


Với 7 nhân khẩu, nhưng không ai có việc ổn định, gia đình bà Đường Hươu Lan (phường 5, quận 5) có cuộc sống rất bấp bênh. Cũng bởi thế, gia đình bà Lan được xếp vào diện “xóa đói giảm nghèo” của quận. Từ khi được quận 5 hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, gia đình bà Lan đã vươn lên thoát nghèo. “Nhờ tiếp cận được vốn vay gần 100 triệu đồng từ chương trình phát triển kinh tế để giảm nghèo và tìm việc làm cho con trai, gia đình tôi mới có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân của gia đình đã đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống ngày càng ổn định hơn”, bà Lan vui mừng cho biết.

 

Nhờ chính quyền hỗ trợ vay vốn tạo việc làm nên gia đình các hộ nghèo tại quận 5 đã vươn lên thoát nghèo.


Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 4 (2014 - 2015) với mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm, không phân biệt nội thành hay ngoại thành. Theo tiêu chí mới, TP còn khoảng 130.000 hộ nghèo, chiếm 7,12% tổng hộ dân và khoảng 50.000 hộ cận nghèo, chiếm 2,73% tổng hộ dân. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo còn khoảng dưới 3% và hộ cận nghèo còn dưới 3% tổng số hộ dân.

Không chỉ có gia đình bà Lan, nhiều hộ gia đình khác ở quận 5 cũng đã thoát khỏi cảnh đói nghèo bằng những chính sách hỗ trợ đa diện của chính quyền địa phương. Gia đình anh Nguyễn Minh (phường 14, quận 5) có 4 nhân khẩu, trong đó 2 con của anh đang trong độ tuổi đi học, vợ anh bị bệnh tâm lý không ổn định. Trước đây, cả gia đình chỉ sống dựa vào nghề xe ôm tự do của anh, nên cuộc sống rất vất vả. Biết được hoàn cảnh của anh, chương trình giảm nghèo của quận đã tạo điều kiện cho anh thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể như: Giới thiệu cho anh chạy xe ôm chở hàng cho một cơ sở hàng tháng được hơn 4,5 triệu đồng/tháng, vợ được giới thiệu giúp việc nhà cho một gia đình trong khu phố với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, hai con trai được hỗ trợ học bổng 1,2 triệu đồng/học kỳ và được tặng xe đạp đi học, gia đình được tặng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh… Nhờ đó, gia đình anh đã thật sự có cuộc sống tốt hơn. Không những thế, gia đình anh còn được quận hỗ trợ thường xuyên từ 200-500.000 đồng/tháng, giúp giải quyết được phần nào khó khăn của cuộc sống.


Theo bà Lou Hàn Cánh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 5, để có được kết quả trên, quận đã huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác xóa nghèo cho người dân. Trước hết, quận chỉ đạo các ban ngành địa phương triển khai công tác điều tra khảo sát, nắm rõ hoàn cảnh và nhu cầu của từng hộ nghèo. Trên cơ sở đó, chính quyền sẽ có những biện pháp hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ học bổng cho con em hộ nghèo… “Mọi giải pháp đều phải hướng đến tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ nghèo, để giúp họ giảm nghèo bền vững từ chính sức của mình”, bà Cánh cho biết. Theo đó, bên cạnh giải pháp hỗ trợ vốn vay để người dân tự tạo việc làm, quận 5 còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và giới thiệu việc làm cho người lao động nghèo. Quận cũng phối hợp với Tổ tự quản giảm nghèo theo dõi cập nhật thường xuyên số lao động chưa có việc làm và có việc làm không ổn định để có biện pháp hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.

Thực hiện giảm nghèo đa chiều


Cùng với cách làm của quận 5, các địa bàn khác trong thành phố cũng đã có “phương án” riêng để giúp người dân thoát nghèo. Về phía Thành phố, để giúp người dân thoát nghèo bền vững, bên cạnh giải pháp tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ nghèo, Thành phố còn thực hiện song song các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội để giúp người dân ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo tăng hộ khá của Thành phố, đây là hướng tiếp cận đa chiều để hướng đến giảm nghèo bền vững. “Bởi những người nghèo không chỉ có thu nhập bình quân thấp, mà còn thiếu hụt ít nhất một trong những nhu cầu xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, lương thực, thực phẩm... Vì vậy, với góc tiếp cận đa chiều, sẽ giúp người dân thoát nghèo bền vững hơn”, ông Xê cho biết.


Nhờ việc tiếp cận đa chiều mà số hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống ngày càng tăng. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo giảm nghèo, tăng hộ khá của TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố còn 83.270 hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, chiếm 4,5% tổng hộ dân Thành phố và số hộ cận nghèo có thu nhập từ 16 - 21 triệu đồng/người/năm là 49.705 hộ (chiếm 2,7%). Đây là những đối tượng cần được Thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã ưu tiên đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.153 lao động nghèo, đưa 9 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài và giới thiệu việc làm cho 7.877 lao động nghèo; thực hiện cấp 195.895 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo; xây dựng 32 nhà tình nghĩa, 770 nhà tình thương và chống dột cho 351 căn nhà cho hộ nghèo; giải quyết trợ cấp ưu đãi 4.826 trường hợp học sinh sinh viên…


Để những biện pháp hỗ trợ của Thành phố đến được đúng đối tượng thụ hưởng, thời gian qua các quận, huyện còn thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát kinh tế, cuộc sống của những hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ kịp thời. “Tùy theo từng hoàn cảnh, chúng tôi sẽ có những giải pháp hỗ trợ để tạo việc làm cho hộ nghèo. Nếu hộ buôn bán, cần nguồn vốn, chúng tôi hướng dẫn họ đến Ban giảm nghèo vay vốn trả chậm, tránh tình trạng vay nặng lãi bên ngoài. Đối với sinh viên, chúng tôi hướng dẫn vào Ngân hàng Chính sách vay vốn để các em tiếp tục học lên. Những ai đã học nghề nhưng không có việc, chúng tôi giới thiệu việc làm cho họ tại các doanh nghiệp và với những ai không có khả năng đi làm, tạo việc làm tại nhà cho họ”, bà Lou Hàn Cánh cho biết thêm.

 

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:

Cần quyết tâm và nỗ lực

Muốn thực hiện giảm nghèo hiệu quả tại địa phương, trước hết phải dựa vào sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và người dân. Điều này đã được chứng minh tại quận 5, khi vừa qua cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng bắt tay thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, tăng hộ khá trong giai đoạn mới. Những cách làm như điều tra nắm bắt đời sống thực tế của người dân để đưa ra những giải pháp tích cực, từ đó mới thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014 - 2015 theo tiêu chí mới của Thành phố.

 

Anh Nguyễn Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6, quận 5:

Chỉ đạo giảm nghèo thông qua nghị quyết hàng năm

Đảng ủy, UBND phường 6 luôn xem chương giảm nghèo tăng hộ khá là chương trình trọng điểm. Vì vậy, toàn Đảng bộ phường đã đề ra nhiều giải pháp, đồng thời huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt chương trình này. Xác định chương trình này vừa giải quyết vấn đề của địa phương, vừa nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi có sự chỉ đạo hàng năm thông qua nghị quyết của Đảng, thông qua chương trình công tác của chính quyền đối với cơ sở và đặc biệt các ban, ngành đoàn thể phải vào cuộc trong việc vận động người dân cùng thực hiện chương trình.

 

Chị Nguyễn Thúy Phượng, Tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo 1
(phường 6, quận 5):

Thành lập quỹ tương trợ giúp đỡ hộ nghèo

Tổ tự quản giảm nghèo 1 có 32 thành viên, hàng tháng chúng tôi họp các chị em để nắm vấn đề đời sống, kinh tế của gia đình, tìm cách hỗ trợ. Đến nay 32 hộ nghèo của Tổ tự quản giảm nghèo 1 đã vượt chuẩn, có mức thu nhập trên 16 triệu đồng/năm. Chúng tôi cũng thành lập “Quỹ tương trợ”, nguồn quỹ, do các thành viên trong tổ tích góp lại và đã giúp ích rất nhiều cho các hộ nghèo trong những trường hợp khẩn cấp. Ví dụ, thường vào đầu năm học, các gia đình có con đi học phải đóng tiền nhiều, nhiều phụ huynh không có tiền đóng, thì chúng tôi cho họ vay từ nguồn quỹ này mà không lấy lãi. Hoặc có ai trong gia đình đột xuất nằm viện, cần tiền đóng tạm ứng để nhập viện chúng tôi cũng cho vay.

 

Hoàng Tuyết 

Cho vay hộ mới thoát nghèo
Cho vay hộ mới thoát nghèo

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN