Chị tổ trưởng giúp nhiều hộ thoát nghèo

Cách nói chuyện lôi cuốn, gương mặt hiền hậu là ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Lò Thị Thim, người dân tộc Thái ở bản Pa Nậm Cúm, xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Là người gắn bó với công tác Hội Phụ nữ ở bản đã hơn 20 năm, chị Thim luôn được các hội viên tín nhiệm.


Chị Lò Thị Thim tâm sự: Chị là người gốc dân tộc Thái ở xã Mường So, huyện Phong Thổ. Khi có chủ trương đưa các hộ gia đình đi xây dựng kinh tế mới vùng biên giới, chị cùng hàng chục hộ dân khác đã tới xã biên giới Ma Ly Pho lập nghiệp. Ban đầu, mọi thứ vô cùng khó khăn, đường không có, ruộng nương cũng không, nước lại khan hiếm, ai cũng nản lòng nhưng chị tự nhủ rằng dù ở đâu thì ban đầu cũng khó khăn, cần khắc phục.

Vừa là cán bộ phụ nữ, chị Thim vừa là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn giúp hội viên phát triển sản xuất.


Với suy nghĩ ấy, chị Thim đã đến từng hộ gia đình trong bản để vận động các hộ dân đoàn kết ở lại xây dựng quê hương mới. Thấy chị năng nổ, nhiệt tình lại tích cực giúp đỡ bà con, được bà con tin tưởng nên huyện và xã đã giao cho chị nhiệm vụ trong Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ bản rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của bản và cán bộ không chuyên trách của xã.


Chị Thim chia sẻ: Là người dân, mình phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Khi được giao nhiệm vụ, bản thân lại càng phải gương mẫu để bà con noi theo. Địa bàn ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên mình tuyên truyền cho người dân thì cũng phải làm được, có như vậy bà con mới tín nhiệm.


Với suy nghĩ như vậy, đã hơn 20 năm nay, ở bản Pa Nậm Cúm không ai là không biết đến "chị Thim phụ nữ". Từ chuyện làm ăn, vay vốn đến chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, chị đều được hội viên tâm sự và hỏi kinh nghiệm. Bản Pa Nậm Cúm hiện có gần 100 hội viên Hội phụ nữ. Chi hội Phụ nữ của bản đã duy trì Quỹ giúp nhau phát triển kinh tế với hàng trăm lượt hội viên nghèo được vay vốn mỗi năm. Số tiền tuy không nhiều nhưng là sự hỗ trợ bước đầu cho chị em trong xóa đói giảm nghèo.

Là tổ trưởng tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã khuyến khích mọi người dùng số tiền vay để đầu tư trồng cao su, chăn nuôi gà, lợn, trồng chuối, phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều hội viên phụ nữ đã đầu tư trồng hàng nghìn hốc chuối, nhiều ha cao su, nuôi hàng trăm con gà, lợn. Các hội viên phụ nữ đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi vườn, rừng như hộ gia đình chị Pờ Thị Dơn, chị Teo Thị Thọ, chị Đèo Thị Ninh... có thu nhập 70 - 80 triệu đồng mỗi năm.


Nói đi đôi với làm, luôn gương mẫu đi đầu trong công việc chung nên chị Lò Thị Thim được hội viên phụ nữ trong bản, lãnh đạo xã tín nhiệm. Chị luôn tâm niệm rằng đã nhận nhiệm vụ thì phải cố gắng hoàn thành. Trong gian nhà chị treo rất nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức, cấp hội trao tặng. Tới đây, chị cũng vinh dự là một trong những đại biểu được đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện và cấp tỉnh.


Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, chị Thim vẫn tranh thủ đưa mẻ ngô vào máy nghiền để làm thức ăn cho gà và đàn lợn con của gia đình. Là người phụ nữ hết mình với công việc chung, chị Thim cũng là người làm kinh tế giỏi. Từ việc chăn nuôi, bán hàng giải khát và trồng gần 1.000 hốc chuối, mỗi năm gia đình chị thu được gần 200 triệu đồng. Chị còn cho biết, thực hiện chương trình trồng cây cao su, gia đình chị trồng được gần 2 ha, sẽ cho thu hoạch trong thời gian tới.


Ông Lý Phủ Lùng, Bí thư Đảng ủy xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, chị Thim là một cán bộ tâm huyết và hết lòng với công việc. Chị là người tiêu biểu trong công tác vận động hội viên Hội phụ nữ làm kinh tế. Nhiều kinh nghiệm hay trong xóa đói giảm nghèo được chị nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn và giúp đỡ mọi người, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều hộ dân trong bản.


Bài và ảnh: Quang Duy

Mô hình chăn nuôi giúp phụ nữ thoát nghèo
Mô hình chăn nuôi giúp phụ nữ thoát nghèo

Mô hình chăn nuôi lợn nái của Hội Phụ nữ xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) đã phát huy hiệu quả, giúp các hội viên phát triển kinh tế, tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong vườn tự cung, tự cấp được nguồn lợn giống, tạo nền tảng cho phát triển chăn nuôi hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN