Lay lắt bệnh viện tư nhân

Sau 20 năm có mặt và phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn thành phố đã có 44 bệnh viện và hàng trăm phòng khám đa khoa góp phần hỗ trợ hệ thống y tế công lập trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố.

Song, bên cạnh sự lớn mạnh của một số đơn vị, theo thời gian nhiều bệnh viện tư nhân lại rơi vào ngõ cụt, rao bán và thậm chí là đóng cửa.

Vậy làm thế nào để hệ thống y tế tư nhân phát triển bền vững là bài toán cần sớm giải quyết.

Nơi đóng cửa, nơi sống lay lắt

Một số bệnh viên tư nhân đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Sau 2 năm đi vào hoạt động, ngày 28/4/2017, Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang (quận 2) – một bệnh viện có quy mô 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng chính thức ngừng hoạt động.

Về lý do ngừng hoạt động, công văn của ông Diệp Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang nêu rõ: “Từ khi thành lập đến nay, công ty liên tục bù lỗ vì bệnh viện hoạt động không hiệu quả”.

Tính đến ngày 9/3, sau hơn 2 năm hoạt động, bệnh viện đã lỗ lũy kế trên 60 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay ban đầu. Với quyết định này, 157 y bác sỹ, cán bộ, nhân viên bị mất việc và hơn 4.000 bệnh nhân đang đăng ký khám bảo hiểm y tế tại đây buộc phải chuyển sang các cơ sở y tế khác.

Trước đó, năm 2010, một kịch bản tương tự cũng xảy ra với Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (quận Tân Phú). Trước khi ngưng hoạt động, bệnh viện này có quy mô 500 giường bệnh và nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng sau mấy năm hoạt động đã mang số nợ lên tới 120 tỷ đồng.

Không rơi vào tình trạng đóng cửa nhưng nhiều năm nay một số bệnh viện do tư nhân đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh lại gặp nhiều khó khăn do thu không đủ chi, bệnh nhân thưa vắng dù cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư khang trang, hiện đại.

Một số bệnh viện đã phải “sang tên đổi chủ” như Bệnh viện đa khoa Phổ Quang (quận Tân Bình) sau một thời gian lay lắt cũng đã bán lại cho chủ khác và đổi tên thành Bệnh viện Tân Sơn Nhất. Hay Bệnh viện Quốc tế Thành Đô (quận Bình Tân) thuộc Tập đoàn Hoa Lâm cũng phải đổi tên thành Bệnh viện Quốc tế City. Một bệnh viện khác cũng rơi vào trạng thái gần như hoạt động cầm chừng là Bệnh viện Quốc tế Vũ Anh (quận Gò Vấp).

Chị Phạm Huyền, một bệnh nhân đã từng khám bệnh tại Bệnh viện Quốc tế City cho biết: “Khám bệnh ở đây tôi thấy trang thiết bị hiện đại, bệnh viện khang trang, phục vụ chu đáo nhưng do giá thành hơi cao nên ít bệnh nhân dám tới”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tuy được đầu tư tốt về cơ sở vật chất và trang thiết bị nhưng công suất hoạt động của các bệnh viện tư hiện vẫn còn khá thấp. Một số đơn vị mới chỉ đạt 20- 30%, một số khác đạt 50 - 60%.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, tại các bệnh viện công lập như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2… bài toán quá tải vẫn chưa giải quyết được. Nơi đìu hiu – chỗ quá tải đã tạo nên bức tranh đối lập giữa 2 mảng màu y tế tư và công tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khó đủ bề

Giá dịch vụ y tế cao là lý do chính khiến cho bệnh viện tư nhân không thể cạnh tranh được với bệnh viện công lập. Đây được xem là khó khăn lớn nhất của các bệnh viện tư nhân hiện nay.

Theo bác sỹ Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám đa khoa quốc tế Exson (quận 10), Nhà nước đang khống chế mức giá khám chữa bệnh theo kiểu chưa tính đúng, tính đủ giá viện phí tại các bệnh viện công khiến cho hệ thống y tế tư nhân không sống nổi.

Trong khi y tế công được sử dụng toàn bộ đất đai, máy móc thiết bị, nhân sự hoàn toàn miễn phí, y tế tư nhân gần như phải lo toàn bộ chi phí, do đó không thể cạnh tranh được về giá.

Bác sỹ Hoàng Đình Lương, Phó giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông (quận 10) cho rằng việc phải đầu tư lớn cho trang thiết bị, máy móc, nhân sự, cơ sở vật chất buộc bệnh viện tư nhân phải đưa ra giá dịch vụ y tế cao hơn bệnh viện công lập.

“Một khi giá dịch vụ cao thì đối tượng bệnh nhân sẽ càng bị thu hẹp lại. Bệnh nhân ít khiến nhiều bệnh viện thu không đủ bù chi, gần như vay nợ “đầm đìa”, xoay xở đủ mọi cách để trả lương cho nhân viên, vận hành bộ máy của bệnh viện”, bác sỹ Hoàng Đình Lương cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Lâm, chủ đầu tư Bệnh viện Quốc tế City cho hay, các bệnh viện tư phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới nhưng giá thu lại vô cùng thấp.

Bà Lâm lấy ví dụ, bệnh viện của bà đầu tư mua máy chụp MRI ngang với máy chụp MRI của các bệnh viện ở Singapore. Tuy nhiên, mức giá dịch vụ cho mỗi lần chụp MRI tại Bệnh viện Quốc tế City chỉ bằng 1/10 so với Singapore, thậm chí có những kỹ thuật giá chỉ bằng 1/20 so với Singapore mặc dù công nghệ tương đương.

“Đầu tư lớn nhưng mặt bằng đời sống dân cư thấp khiến chúng tôi rất đau đầu trong việc suy tính bài toán lợi nhuận kinh doanh”, bà Trần Thị Lâm phân tích.

Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Lâm, các doanh nghiệp đầu tư bệnh viện cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chính phủ để xây dựng, đầu tư cho bệnh viện.

Trong khi bệnh viện công được vay ưu đãi vốn ODA với lãi suất thấp, được Nhà nước đứng ra bảo lãnh còn bệnh viện tư phải vay vốn thương mại với lãi suất cao hơn nhiều, điều kiện vay cũng khó hơn.

“Mặc dù trước đây chúng tôi được vay ưu đãi từ quỹ kích cầu của Chính phủ nhưng chỉ được thời gian ngắn, sau đó quỹ này bị cắt đột ngột khiến nhiều bệnh viện tư rơi vào khó khăn.

Có những bệnh viện ban đầu được vay trong 7 năm nhưng mới được 4 năm thì bị cắt ưu đãi lãi suất, nếu muốn tiếp tục vay thì phải chịu mức lãi suất thương mại nhưng vẫn phải cắn răng vay tiếp”, bác sỹ Võ Xuân Sơn chia sẻ.

Ngoài vốn thì chưa có thương hiệu, địa điểm bệnh viện ở các vị trí không thuận tiện, nhân sự không ổn định… cũng là những lý do khiến nhiều bệnh viện tư không thể trụ nổi.

Thừa nhận đó là những khó khăn “kinh niên” mà hệ thống y tế tư nhân đã gặp phải từ lâu, ông Phạm Thế Đồng, Phó chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết đã nhiều lần Hiệp hội có kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng vẫn chưa được xem xét, hỗ trợ.

“Chúng tôi rất cần những chính sách thông thoáng hơn, sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Nhà nước thì mới sống nổi”, ông Phạm Thế Đồng kiến nghị.

Đinh Hằng (TTXVN)
Y tế tư nhân giúp giảm quá tải bệnh viện công
Y tế tư nhân giúp giảm quá tải bệnh viện công

Hệ thống y tế tư nhân ở Đồng Nai không ngừng phát triển, góp phần giảm tải tại bệnh viện công lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN