Chủ động về sự nghiệp
Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như người lao động các thế hệ M trở về trước đều mong tìm được việc làm gần nơi ở, phù hợp với mức lương tốt nhất cùng các chế độ đãi ngộ được đảm bảo và lâu bền, lao động trẻ thế hệ gen Z ngày nay hoàn toàn khác. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, kinh tế số, sự bùng nổ của internet và tác động của COVID-19 khiến nhiều lao động trẻ có đủ cơ sở để suy nghĩ về các mục tiêu tài chính, công việc khác với thế hệ trước.
Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Thế hệ lao động trẻ ngày nay có lợi thế được "thấy, biết và hiểu" những gì các thế hệ trước đã trải qua, họ trở nên khôn ngoan khi đưa ra các quyết định về sự nghiệp của mình. Đó cũng là xu hướng mới trong tìm nghề, chọn việc và định hướng phát triển bản thân của họ; trong đó kỹ năng làm việc, sự thích ứng, linh hoạt, không gò bó thời gian, không gian làm việc nhưng thu nhập cao là một yếu tố quan trọng…".
Chị Vương Thị Kiều Loan là một trong những Youtube, TikToker có lượng người theo dõi khá lớn khi chuyên "review" và bán các sản phẩm thương hiệu thời trang nữ cho giới trẻ. Chị Loan chia sẻ, giới trẻ ngày nay linh hoạt tìm công việc hiệu quả, nhanh kiếm được nhiều tiền.
Ngay từ khi còn là sinh viên, chị Loan đã tự chủ về tài chính, sống độc lập và không cần gia đình chu cấp bởi tìm thấy khả năng kiếm tiền từ nền tảng công nghệ số. Làm công việc này, chị có thể chủ động về mặt thời gian và không ảnh hưởng đến việc học. Ngoài ra, chị Loan còn giúp nhiều bạn có việc làm thêm để trang trải học phí. Gần đây, chị đã tham gia khóa học đào tạo, bồi dưỡng về thông tin, truyền thông. Chị cộng tác với một số người để tập trung phát triển cho các kênh riêng của mình. "Vừa học vừa kinh doanh là một trải nghiệm đáng giá cho định hướng sự nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp về truyền thông trong thời gian tới. Thời gian trôi qua nhanh lắm, bây giờ không chủ động tận dụng sẽ mất đi nhiều cơ hội trong tương lai", chị Loan chia sẻ.
Anh Huỳnh Văn Thuận (quê ở Tiền Giang) sau 6 năm làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vốn vào mở khu du lịch, rồi tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao quy mô kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, thành công lớn nhất của anh là làm chủ được công việc, sự nghiệp của mình như mong muốn. "Cuộc sống của mình hiện khá thoải mái, chủ động và tự do".
Những tiến bộ của khoa học, sự phát triển chung của xã hội cùng với những thời cơ, thách thức đã thúc đẩy lao động trẻ ngày nay chủ động hơn về cuộc sống, sự nghiệp. Tại các tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chi Minh, Hà Nội, Đà Nẵng hay Cần Thơ, lao động trẻ ngày càng xuất hiện nhiều, họ là đại diện cho một thế hệ sống chủ động với tương lai của mình.
Tăng cường thích ứng
Thế hệ Z đang dần thay thế lực lượng lao động hiện nay, nhất là tại các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khảo sát của Công ty Cổ phần Anphabe (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tiên phong về các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc) với gần 14.000 sinh viên cho thấy, dự báo năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có một đại diện là lao động trẻ tuổi sinh từ năm 1997 trở về sau. Thế hệ lao động trẻ này luôn kỳ vọng được làm việc trong lĩnh vực quen thuộc ở cuộc sống thường nhật. Nơi nào cho họ nhiều sáng kiến, tôn trọng, kèm theo sự ổn định và an toàn trong công việc, họ sẽ gắn bó với nơi đó.
Theo Công ty Cổ phần Anphabe, lao động trẻ ngày nay không chỉ làm việc vì chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà còn xem xét những giá trị đạo đức, tính thực tiễn và giá trị cho khách hàng, cộng đồng. Do vậy, họ không ngần ngại thể hiện những cá tính mạnh, đòi hỏi nhiều hơn và có những yêu cầu rất khác biệt khiến nhiều nhà tuyển dụng bối rối.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Thuyền, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nam Á Bank - Tân Định cho biết, qua những lần tham gia Ngày hội tuyển dụng tại các trường Đại học cho thấy, sinh viên bây giờ khác xưa rất nhiều. Họ không chỉ giỏi về chuyên môn, sử dụng thành thạo công nghệ, mà còn rất tự tin, tìm hiểu kỹ công ty và không e ngại khi ứng tuyển trái ngành. "Điều đặc biệt tôi nhận thấy là các sinh viên ngày nay rất năng động, chủ động và nhiều người đi làm thêm rất sớm. Họ thích ứng rất nhanh, ham học hỏi và rất cầu tiến. Họ đưa ra nhiều câu hỏi "gắt" hơn cho nhà tuyển dụng như: cơ hội thăng tiến, khả năng tăng thu nhập và các chế độ phúc lợi… Đó là những đặc điểm nổi trội cho thấy họ rất chủ động tìm việc và phát triển sự nghiệp", bà Trần Thị Thanh Thuyền nhận định.
Cùng quan điểm, ông Đoàn Tiến Vũ, Giám đốc quản lý đối tác chiến lược Công ty Cổ phần Careerbuilder (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, lao động gen Z có cá tính mạnh mẽ và thường làm việc theo cảm xúc. Tuy nhiên, họ có nhiều tham vọng, sự sáng tạo, khả năng thích nghi nhanh, có ý thức và tự chủ trong công việc, những kỹ năng cần thiết để xử lý, hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất.
Điểm mạnh của họ là sử dụng công nghệ rất tốt và tiếng Anh giỏi hơn thế hệ trước rất nhiều. "Họ có thể làm thay đổi những giá trị truyền thống không còn phù hợp trong doanh nghiệp; tạo dựng nét văn hóa làm việc mới, cống hiến, đưa doanh nghiệp đi lên theo hướng hội nhập. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần hiểu để tận dụng được sức trẻ, những cái mới để phát triển hài hòa bởi tương lai họ là lực lượng nhân sự chính trong các doanh nghiệp", ông Đoàn Tiến Vũ chia sẻ.
Tuy nhiên, khảo sát của Công ty Cổ phần Anphabe cho thấy, 62% lao động thế hệ gen Z nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, thậm chí nhiều người nhảy việc vài lần trong năm đầu khi ra trường. Họ không thích sự gò bó, ràng buộc nên theo đuổi ước mơ khởi nghiệp thay vì trở thành nhân viên ở một công ty nào đó. Khảo sát chỉ ra nhu cầu sử dụng lao động tự do tại các doanh nghiệp Việt khá lớn khi 55% người đi làm cho biết công ty họ đã hoặc đang hợp tác với nguồn nhân lực mới này theo nhiều hình thức.
Gắn bó nhiều năm trên nền tảng cung cấp không gian làm việc số, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc tăng trưởng Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo (GapoWork) cho rằng, hiện tượng nhảy việc phổ biến của lao động trẻ có phần lỗi của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do lao động trẻ thường kỳ vọng rất nhiều về nơi làm việc của mình; họ cần một lãnh đạo có tầm và có tâm, một doanh nghiệp có định hướng phát triển đột phá. Do vậy, khi thất vọng, lao động trẻ sẽ chọn cách rời đi để tìm nơi phù hợp hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, lao động trẻ ngày nay thường đưa ra nhiều câu hỏi hơn cho nhà tuyển dụng và đặt ra yêu cầu với nhà tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn cũng như quan tâm đến cách thức tổ chức làm việc, không gian làm việc, mức lương, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc hơn. Lao động trẻ ngày nay rất thích những công ty "high tech" (công nghệ cao); đồng thời xem trọng những doanh nghiệp tôn trọng chính kiến, cá tính sáng tạo của họ và hạn chế những cuộc họp không cần thiết... Do vậy, nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao sự đa năng của các ứng viên thế hệ gen Z nhưng cũng e ngại với những cá tính, cách thức làm và suy nghỉ của họ đối với công việc được giao
Bài 3: Định vị thị trường lao động việc làm