Làng nghề đan lát trăm tuổi "chật vật" tồn tại

Làng nghề đan lát các sản phẩm mây, tre, trúc xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là làng nghề truyền thống lâu đời. Các sản phẩm của làng nghề, gắn bó với cuộc sống người dân miền sông nước đồng bằng Nam bộ. Tuy nhiên, nhiều năm lại đây, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp, việc bảo tồn làng nghề đang là nỗi trăn trở của nhiều nghệ nhân.

Theo ông Tô Quang Mười, Chủ tịch UBND xã Phú Lễ, làng nghề đan lát của xã có truyền thống hơn 100 năm nay. Năm 2008, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định công nhận đây là làng nghề tiêu biểu của tỉnh. Ngày xưa, Phú Lễ cũng như một số xã lân cận như Phước Tuy, Tân Xuân, Phú Ngãi… đều phát triển mạnh nghề này. Mỗi nhà đều có vài bụi tre, khóm trúc, vừa để che mát vừa là nguồn nguyên liệu dồi dào để đan lát. Các sản phẩm làm đẹp, tinh tế, tiện dụng… nên rất được ưa chuộng. Nhiều thương lái đưa sang Campuchia để tiêu thụ. Thời điểm phát triển mạnh nhất của làng nghề là vào những năm 1980, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân sống chủ yếu nhờ nghề đan lát. Các sản phẩm bền đẹp, đồng đều của làng nghề giúp hình thành thương hiệu và giúp sản phẩm vươn xa.

Còn ít hộ gia đình làm nghề đan lát ở Phú Lễ.



Cụ Phan Văn Nghị, sinh năm 1931, ngụ ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, nghệ nhân gắn bó với nghề đã hơn nửa thế kỷ cho biết, ngày trước bà con trong làng ai cũng biết làm nghề này. Trẻ con lên 7, 8 tuổi đã biết phụ giúp cha mẹ, ông bà những công đoạn đơn giản. Bản thân cụ đã học và gắn bó với nghề từ năm 15 tuổi.

Tuy nhiên, khoảng từ năm 1990, làng nghề bắt đầu gặp nhiều khó khăn do các vật dụng hàng ngày bằng nhựa, nhôm, inox… xuất hiện. Thêm vào đó, máy móc phục vụ thu hoạch lúa cũng đẩy lùi các sản phẩm giúp xay, giã, giần, sàng như trước đây.

Từ cái rổ cái rá đựng rau, cái bung, cái nơm đặt tôm cá ngoài đồng, rồi cối xay lúa, sàng gạo, rế nhắc nồi, giỏ bội nhốt gà… đều là những sản phẩm đan từ mây, tre, trúc… Các sản phẩm của làng nghề theo chân thương lái đi khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, làm nên truyền thống và niềm tự hào cho người dân Phú Lễ.

Theo bà Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Lễ, người làm nghề đan lát hiện nay đa số là phụ nữ lớn tuổi, những người đã có gia đình và an phận nơi làng quê. Hầu hết thanh niên trong xã không gắn bó với nghề đan lát. Nhiều sản phẩm nổi tiếng của làng nghề gần như đã bị thay thế bởi các sản phẩm công nghiệp bằng nhựa. Người dân ưa chuộng các sản phẩm nhựa vì giá rẻ, lại tiện dụng hơn so với sản phẩm bằng tre, trúc. Thậm chí, một số sản phẩm của làng nghề từ lâu được xem là “không thể thay thế” như: bung, dừng (giần), sàng, thúng… cũng dần dần mất chỗ đứng trên thị trường. “Bây giờ cũng ít chỗ để đặt tôm, cá tự nhiên như ngày xưa, cái bung đặt cá tép cũng đâu còn phổ biến như trước. Rồi sàng, thúng, bung… cũng ít người sử dụng do máy móc ngày càng hiện đại”, bà Lan chia sẻ.

Theo UBND xã Phú Lễ, hiện toàn xã chỉ còn khoảng 180 hộ còn gắn bó với nghề đan lát. Một số hộ làm quanh năm, còn lại chỉ tập trung những lúc nông nhàn. Một số sản phẩm vẫn còn chỗ đứng trên thị trường dù lượng tiêu thụ ít hơn so với trước đây. Ông Tô Quang Mười, Chủ tịch UBND xã cho biết, mặc dù số hộ còn làm nghề không nhiều nhưng địa phương xác địch cần tích cực bảo tồn làng nghề giữ giá trị văn hóa truyền thống, vừa giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nhiều năm nay, UBND xã, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân. Trong đó, nổi bật là tổ chức Terre Des Hommes (Đức) đã hỗ trợ số tiền gần 500 triệu đồng trong các năm từ 2008 -2014 để giúp chị em phụ nữ trong xã vay vốn mua nguyên liệu đan lát, phát triển kinh tế gia đình.

Bài và ảnh: Hưng Thịnh

Nét đẹp làng nghề mây tre đan
Nét đẹp làng nghề mây tre đan

Cách trung tâm Hà Nội 35 km về hướng Tây Nam, làng nghề mây tre đan thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), được biết đến là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN