Đến làng nghề dệt choàng tại ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, âm thanh máy dệt choàng vang lên liên hồi. Đang tất bật bên 2 khung dệt, bà Đặng Lệ Thủy, 64 tuổi có kinh nghiệm làm nghề hơn 30 năm chia sẻ, làng nghề dệt choàng hoạt động quanh năm nhưng vào khoảng từ giáp Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 4 âm lịch là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất của các hộ dân nơi đây.
Bà Thủy nói thêm, giá năm nay không biến động nhiều nhưng nhu cầu cao hơn nên các máy dệt hầu như phải hoạt động hết công suất. Trung bình, một khung dệt máy, người lao động có thể dệt được khoảng 50 sản phẩm khăn choàng/ngày. Bằng việc cơ giới hóa, sản phẩm làm ra tăng hơn trước gấp ba lần so với phương pháp dệt thủ công.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chiều, thời gian gần đây, để tạo sự đa dạng, phong phú và tăng thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng, người dân làng nghề dệt choàng “trăm năm tuổi” xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự không ngừng cải tiến mẫu mã. Từ các chất liệu đặc trưng, hiện người dân làng nghề sáng tạo thêm các sản phẩm như áo dài, áo bà ba, túi xách, cà vạt, nón,… với nhiều màu sắc bắt mắt. Nhờ vậy, khăn choàng Long Khánh A giờ đây không chỉ đáp ứng nhu cầu bà con nông dân làm nghề nông mà còn là sản phẩm du lịch tại các điểm, tour tuyến du lịch dịp lễ, Tết.
Theo thống kê của huyện Hồng Ngự, qua khảo sát, hầu hết các công đoạn dệt đều được cơ giới hóa. Riêng số khung dệt của làng nghề đang ở con số 150 khung. Với gần 50 hộ sản xuất, trung bình mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường trong tỉnh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận gần 1,5 triệu chiếc khăn các loại.
Còn tại làng nghề dệt chiếu ở huyện Lấp Vò, không khí sản xuất của “vụ chính” trong năm không kém phần hối hả. Nhận định thị trường chiếu Tết cổ truyền năm nay có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ những năm trước nên từ khoảng 2 tháng trước, các hộ tại làng nghề chiếu xã Định Yên, Định An đã bắt tay vào sản xuất đơn hàng. Dọc các tuyến đường, không khó nhận ra đã đặt chân đến làng nghề dệt chiếu, bởi, trong ánh nắng xuân, từ trong nhà ra ngoài ngõ, cả con đường nhuộm những sắc màu xanh, đỏ, vàng, trắng, tím,… của những sợi lát và những chiếc chiếu đã thành phẩm.
Ông Nguyễn Văn Sang – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Yên thông tin, riêng tại xã Định Yên, khoảng 40% dân số sống liên quan nghề dệt chiếu. Những năm gần đây, nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất nên sản lượng chiếu cải thiện đáng kể. Trước đây, với một khung dệt, trung bình hai lao động chỉ dệt được khoảng 2 - 3 chiếc chiếu/ngày thì hiện nay nhờ đầu tư máy móc nên mỗi lao động có thể dệt từ 8 – 9 chiếc chiếu/ngày. Nhờ tiết kiệm thời gian sản xuất, nhân công lao động, sản lượng hàng hóa tăng nên kinh tế hộ gia đình sống bằng nghề chiếu cũng có nhiều cải thiện hơn trước.
Theo chia sẻ của ông Võ Văn Hùng, 65 tuổi ở ấp An Khương xã Định Yên, sản phẩm chiếu rất đa dạng như chiếu trà niên, chiếu bông khuôn cờ, chiếu vảy ốc, chiếu trắng,... trong đó, chiếu trà niên và chiếu bông khuôn cờ chiếm đa số và được lựa chọn nhiều nhất. Ông Hùng cho biết, tín hiệu đáng mừng là kho hàng gia đình ông không còn nhiều, trong khi đó, nhu cầu còn rất cao.
Tại xã Định An, với 2 máy dệt chiếu, chị Lê Thị Nguyệt ấp An Ninh cho biết, trong tháng 12 âm lịch phải dệt ngày dệt đêm, giá chiếu năm nay đã có sự khởi sắc trở lại so với cùng kỳ những năm trước, nên người dân phấn khởi. Cụ thể, loại chiếu khuôn cờ giá dao động khoảng 150.000 - 160.000 đồng/chiếc, chiếu trà niên từ 95.000 – 110.000 đồng/chiếc. Bình quân với 2 máy dệt, gia đình chị Nguyệt làm ra hơn 15 chiếc chiếu mỗi ngày, thu nhập từ 150 – 200 nghìn đồng/ngày.
Không chỉ dừng lại là sản phẩm truyền thống của địa phương, hiện chiếu Định Yên, Định An có mặt tại nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh và cả Vương quốc Campuchia.
Xuân về, nói đến “hương sắc Tết” ở Đồng Tháp, có lẽ không khí nhất là làng hoa Sa Đéc – nơi được mệnh danh là thủ phủ hoa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với Đồng Tháp, hoa, kiểng không chỉ là một làng nghề truyền thống trên 100 năm tuổi, mà còn là một trong năm ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Năm nay, tổng diện tích trồng hoa kiểng của thành phố Sa Đéc hơn 500 ha, với số hộ sản xuất khoảng 2.300 hộ, đạt 101% so với kế hoạch, tập trung chủ yếu ở phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông.
Để cung ứng thị trường Tết cổ truyền 2019, thành phố Sa Đéc trồng hơn 90 ha, chủ yếu là cúc mâm xôi, hạnh, hồng, cúc đài loan, cát tường, lily, cúc đồng tiền,… và khoảng 20 ha hoa vạn thọ. Ước cho ra thị trường khoảng 2,5 - 3 triệu giỏ hoa; trong đó, trên 157 nghìn giỏ cúc mâm xôi, hơn 600 nghìn giỏ hồng các loại, 8.000 giỏ cúc đồng tiền với nhiều màu sắc như đỏ, cam, vàng, song hỷ….
Thâm niên trồng hoa lâu năm, ông Cao Văn Hai ngụ phường Tân Quy Đông chia sẻ, thời tiết năm nay thuận lợi, mưa trái mùa ít, các mặt hàng tương đối ổn định giá. Một số mặt hàng cũng có xu hướng tăng giá, như cúc mâm xôi lên giá từ 10 – 15%.
Ngoài các mặt hàng truyền thống, năm nay, thành phố Sa Đéc có nhiều giống hoa kiểng mới cho ra thị trường như giống hoa lyli mới, cúc tia, cúc đồng tiền mini siêu lùn. Bên cạnh đó, những giống hồng đặc trưng của Sa Đéc và trên 200 giống hồng ngoại đang được sản xuất được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc, ngành hàng hoa kiểng mang lại giá trị cao, ước tính 1 ha trồng hoa, kiểng có thể mang về lợi nhuận gấp 10 – 20 lần so với canh tác lúa, nên diện tích hoa tăng theo từng năm. Giá hoa kiểng tết năm nay ước tăng hơn so với Tết năm 2018 khoảng 10%. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước.
Ông Tùng thông tin thêm, không chỉ là nơi trồng hoa cung ứng cho thị trường, làng hoa Sa Đéc còn là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh… Mỗi năm, Làng hoa Sa Đéc thu hút khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan dịp Tết.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 40 làng nghề tiêu thủ công nghiệp đã được công nhận; trong đó, có 18 làng nghề truyền thống, hơn 5.600 hộ tham gia với khoảng 12 nghìn lao động. Các sản phẩm của các làng khá đa dạng như: đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ…
Ông Nguyễn Hữu Lý – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, dựa trên tình hình phát triển và tiềm năng của các làng nghề trong tương lai, Đồng Tháp ban hành Kế hoạch về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2018 - 2020. Cụ thể, giai đoạn này, tỉnh Đồng Tháp tập trung thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị đối với 6 nghề, làng nghề truyền thống cần được bảo tồn lâu dài gồm: Nghề đan dệt chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò); nghề đóng xuồng ghe Long Hậu (huyện Lai Vung); nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự); nghề sản xuất bột, trồng hoa kiểng (thành phố Sa Đéc); nghề đan mê bồ (thành phố Cao Lãnh).