Các làng nghề ở Vĩnh Phúc hối hả vào Tết

Những ngày này, các làng nghề truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang hối hả sản xuất để phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất 2018.

Sơ chế mây tre đan ở xã Cao Phong.

Về xã Cao Phong, huyện Sông Lô vào ngày cuối năm trong tiết trời giá lạnh, chúng tôi cảm nhận niềm vui hiện rõ trên nét mặt từng người thợ. Không khí khẩn trương, hăng say bao trùm khắp các con ngõ, xưởng mây trong xóm làng. Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, bên cạnh sản phẩm đơn giản, phục vụ nhu cầu gia đình, đến nay, các sản phẩm của làng nghề đã trở nên đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó mà các xưởng quanh năm không lúc nào vắng đơn hàng. Người thợ mây tre đan giờ đây không còn nghĩ đến việc bỏ quê đi làm ăn xa mà có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Đang cùng người lao động miệt mài hoàn thiện, phân loại các sản phẩm để kịp ngày giao hàng, ông Khổng Tiến Đa, Giám đốc doanh nghiệp mây tre đan Tiến Đa cho biết, ban đầu cơ sở của ông chuyên sơ chế mây thô rồi đem nhập cho các công ty, doanh nghiệp để họ gia công thành các sản phẩm bán trên thị trường. Sau đó, nhận thấy giá trị lợi nhuận của sản phẩm may tre đan nên ông Đa đã quyết định tách ra thành lập doanh nghiệp riêng, chuyên sơ chế và sản suất mây tre đan xuất khẩu.

Đến nay, cơ sở của ông đã tạo công ăn việc làm lâu dài cho hơn 20 lao động thường xuyên với mức lương từ 2,5 đến 4 triệu đồng/ người/tháng. Mỗi ngày, cơ sở ông sản xuất được 5 tạ và một tháng là 15 tấn mây xuất khẩu trên thị trường trong và ngoài nước và các sản phẩm làm từ mây tre đan, doanh thu hàng năm trên 3 tỷ đồng.

Trải qua bao thăng trầm, nghề mây tre đan ở Cao Phong đã và đang góp phần không nhỏ nâng cao đời sống người dân. Từ các sản phẩm thông dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt như: Quạt nan, giỏ đựng phích bằng nan tre, bình đựng ấm trà… Hiện nay, theo xu thế của thị trường, nghề mây tre đan ở Cao Phong đã phát triển đa dạng với các mặt hàng: Lẵng hoa, làn hoa, ấm đựng tích nước, bình hoa, khay đựng chén trà,…không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Âu...

Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Đến nay đã có khoảng 95% số lao động của xã có việc làm thường xuyên, thu thập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, đạt trên 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn trên 5%. Đặc biệt, nghề đan lát còn tạo việc làm cho lao động cho nhiều xã lân cận...

Các sản phẩm mây tre đan ở Cao Phong.

Làng nghề Thanh Lãng, Bình Xuyên những ngày cuối năm đầy ắp hàng hóa, khách hàng từ khắp nơi tấp nập vào ra để tận mắt chiêm ngưỡng những bức hoành phi, câu đối, những bộ sập gụ, tủ chè, đồ gia dụng và để giục giã chủ hàng nhanh tay hoàn thiện đơn hàng cho kịp mang về chơi Tết. Đối với những người làm nghề nơi đây, mùa làm ăn chỉ thực sự bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, khi Tết Nguyên đán gần kề.

Hòa vào dòng người hối hả, chúng tôi tìm đến cơ sở sản mộc  của anh Kim Văn Tiến - một trong những cơ sở sản xuất mộc quy mô ở đây. Anh Kim Văn Tiến, cho biết: “Càng về cuối năm, các đơn đặt hàng càng nhiều do tâm lý mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết. Nhiều gia đình cũng chọn thời điểm này để khánh thành và trang trí nhà cửa nên chúng tôi phải thuê thêm thợ để sản xuất nhanh hơn. Suốt 3 tháng cuối năm, gần như ngày nào cũng làm 20 tiếng mới kịp đơn hàng. Bù lại với những vất vả ấy, thu nhập những tháng cuối năm tăng đáng kể, trung bình khoảng 25 - 30 triệu đồng/tháng, tăng từ 5 -10 triệu đồng so với những tháng thông thường".

Anh Tiến khẳng định, mặc dù những ngày cuối năm, sản xuất nhanh hơn nhưng sản phẩm của mộc Thanh Lãng vẫn đặt chất lượng mẫu mã để giữ uy tín cho sản phẩm và thương hiệu cho làng nghề.

Hiện nay, thị trấn Thanh Lãng có khoảng hơn 2.000 hộ dân làm nghề mộc thường xuyên, với thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm. Khác với nhiều làng nghề truyền thống đang dần mai một và không thu hút lao động trẻ theo nghề, ở thị trấn Thanh Lãng nghề mộc được thanh niên trẻ tích cực học và làm nghề của cha ông. Nếu như trước đây, lao động chính, những thợ cả có tay nghề trong xã hầu hết là những người cao tuổi, có thâm niên lâu năm trong nghề, thì nay, người làm nghề dần được trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 22 - 40 tuổi với nhiều thợ giỏi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận.

Về  xã Nam Viên, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày này không khí lao động tại làng nghề tương Khả Do nhộn nhịp hẳn. Theo bà Nguyễn Thị Sự, Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất tương xã Nam Viên, cả xã hiện có hơn 30 hộ gắn bó với nghề. Sản phẩm tương ngô của làng nghề Khả Do đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu.

Bà Sự cho biết thêm, từ tháng 6-7 âm lịch, các hộ làm tương ở Khả Do bắt đầu nhận đơn đặt hàng tết, bởi đây là thời điểm mùa hè nắng gió nhiều, độ ẩm không cao sẽ tạo điều kiện cho quá trình lên mốc diễn ra nhanh, chất lượng tốt nhất, có ngày, tổ hợp tác sản xuất tương Nam Viên bán được hơn trăm lít tương ngô.


Tương Khả Do được làm từ 3 nguyên liệu chính là ngô, đỗ tương và muối trắng. Một điều đặc biệt quan trọng là hương vị của ngô và tương sẽ ngon nhất khi được ủ trong trong sành của làng gốm Hương Canh.

Những ngày cuối năm, tranh thủ trời nắng, người làm tương Khả Do ở xã Nam Viên tất bật làm tương để kịp hàng đưa ra thị trường phục vụ Tết. Những những chum tương sánh vàng, thơm dậy mùi đỗ quyện hương ngô hòa quyện cùng làn gió heo may khiến không khí nơi đây mang đậm hương vị Tết.

Bà Sự chia sẻ, do sự cẩn thận trong từng khâu và cách làm, tương Khả Do có giá bán cao hơn thị trường, 1 lít tương Khả Do có giá khoảng 35.000 đồng. Tuy nhiên, theo bà Sự tương làm ra tới đâu bán hết tới đó, thậm chí có lúc không có tương để bán.

Với 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống, các làng nghề ở Vĩnh Phúc duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần tạo công việc ổn định khoảng 45.000 đến 50.000 lao động.

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các làng nghề làm ăn thịnh vượng nhất trong năm bởi hàng hoá làm ra đến đâu sẽ bán hết đến đó. Sản phẩm từ các làng nghề không chỉ nâng cao thu nhập mà các sản phẩm từ làng nghề còn góp phần tô thêm vẻ đẹp và hương vị đậm đà, ấm cúng cho mọi người, mọi nhà mỗi dịp tết đến, xuân về.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)
'Tinh hoa nghề Việt' tôn vinh làng nghề truyền thống Huế
'Tinh hoa nghề Việt' tôn vinh làng nghề truyền thống Huế

Lễ tế bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống Việt được tổ chức trang trọng và rực rỡ từ ngày 28/4 - 2/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN