Làng chạm khắc gỗ Thiết Úng: Thiếu lớp nghệ nhân kế cận

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Đông Bắc, làng chạm khắc gỗ Thiết Úng là một trong những làng nghề ít ỏi đã bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống. Tuy nhiên, tại đây vẫn phấp phỏng nỗi lo về một lớp nghệ nhân kế cận.


Bước chân vào địa phận làng Thiết Úng (còn gọi là làng Ống) đã nghe lách cách tiếng đục, tiếng đẽo, tiếng xoèn xoẹt của máy cưa, xẻ gỗ ồn ào. Dọc hai bên đường là những cửa hàng đồ mỹ nghệ khang trang, bóng loáng. Đi sâu vào làng chừng 200 m, trước cửa nhà nào cũng có những người thợ thủ công đang tỉ mẩn đẽo gọt.

 

Giáo trình chạm khắc tĩnh vật - con giống trên gỗ.


Khoảng những cuối những năm 70, hợp tác xã của làng Thiết Úng mở lớp học nghề chạm khắc gỗ với sự hướng dẫn của những nghệ nhân có tiếng như ông Đồng Văn Ngọc, ông Nguyễn Văn Lưu, ông Đỗ Văn Mùi… Lớp học có hàng chục người theo học. Sau độ 3 năm, tùy vào tay nghề của người học mà hợp tác xã cấp bằng chứng nhận. Những học viên theo học khi ấy, giờ đã lập nghiệp bằng những xưởng sản xuất gia đình, những cửa hàng buôn bán đồ mỹ nghệ rải khắp làng Thiết Úng. Chồng truyền nghề cho vợ, bố truyền nghề cho con, truyền thống của làng nghề chạm khắc gỗ Thiết Úng bắt đầu từ đó.


Trong tình trạng nhiều làng nghề mất nghề, lụi bại thì làng gỗ Thiết Úng lại phát triển vững chắc.


Nhưng kinh tế đi lên lại không tỉ lệ thuận với số lượng nhân công giỏi của làng nghề.

 

Nghệ nhân Lưu  (bên trái) nói về lớp học hợp tác xã.


Năm 1998, với sự trợ giúp của các tổ chức tư nhân, nhiều khóa nâng cao tay nghề kéo dài 3-6 tháng được mở với đội ngũ giáo viên là các nghệ nhân trong làng. Dù thời gian học không dài, nhưng các khóa đào tạo ngắn hạn là cơ hội để lớp trẻ có thể học hỏi, tiếp nhận những tinh hoa, kỹ xảo của nghề từ các bậc tiền bối. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, những lớp đào tạo cho thanh thiếu niên trong làng không thể tổ chức vì thiếu kinh phí. Phần lớn việc truyền nghề được thực hiện theo kiểu cầm tay chỉ việc, cha truyền con nối.

Ông Nguyễn Văn Lưu - một nghệ nhân của làng giới thiệu cho chúng tôi quyển Giáo trình chạm khắc tĩnh vật - con giống trên gỗ do các nghệ nhân trong làng cùng TS. Nguyễn Can và kỹ sư Phạm Quang Lăng biên soạn. Thế nhưng “Có giáo trình thì cũng để tham khảo hoặc hệ thống lại cho có, chứ không còn các khóa học để đưa vào giảng dạy” - nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền chia sẻ.


Chị Phúc Chương (42 tuổi), cho hay “Trẻ con ở đây biết đỡ bố mẹ làm nghề từ 14, 15 tuổi”. Tiếp xúc với nghề sớm như vậy nhưng lớp trẻ ở Thiết Úng lại không say mê với nghề, người thì bỏ nghề mở cửa hàng mỹ nghệ, có người theo nghề thì làm theo mẫu mã có sẵn của gia đình, không sáng tạo, ít tỉ mẩn và tinh xảo trong từng nét chạm trổ. “Nghề này phải học 3 - 5 năm mới thạo, còn để giỏi nghề thì không chỉ cần năng khiếu mà còn phải đầu tư thời gian, phải biết sáng tạo, còn làm theo mẫu mã thì dạy mãi rồi cũng biết làm thôi” - nghệ nhân Truyền khẳng định.


Chú trọng phát triển kinh tế làng nghề nhưng Thiết Úng lại chưa chú trọng đào tạo dạy nghề bài bản. Lớp trẻ chưa được “truyền lửa” đủ nhiều để biết yêu và say nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền chia sẻ, những nghệ nhân của Hiệp hội làng nghề Thiết Úng luôn sẵn sàng đứng lớp để truyền nghề, để chia sẻ những mẫu tượng đẹp cho lớp trẻ học hỏi, để mỗi bức tượng của Thiết Úng đều được thổi hồn chứ không chỉ là nhân bản.


Ông Đào Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết “Xã đã có những chính sách hỗ trợ từ 30 - 50% kinh phí đào tạo cho các khóa học hàng năm ở Thiết Úng” nhưng đến giờ các khóa dạy nghề vẫn không được mở lại.

 

Bài và ảnh: Linh Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN