Kỷ niệm ngày dân vận 15/10:

Làm dân vận theo tư tưởng của Bác

Nhiều năm qua, công tác dân vận đã được các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể vận dụng linh hoạt, khéo léo, theo đúng tư tưởng về dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận” Người viết ngày 15/10/1949 đăng trên Báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z.


Vì lợi ích của dân

Bài báo “Dân vận” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất ngắn, nhưng súc tích, dễ hiểu, trong đó nêu rõ: Nước ta là nước dân chủ, Dân vận là gì?, Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Người đã chỉ những điều nhất thiết phải làm trong công tác dân vận, đó là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được... Công tác dân vận hiện nay cũng thực hiện theo đúng tư tưởng đó của Người và đạt hiệu quả cao.

Những điển hình dân vận khéo giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Bắc Kạn đang chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị biểu dương điển hình “Dân vận khéo”. Ảnh: Vũ Hoàng Giang-TTXVN

Chị Điểu Thị Bin, 54 tuổi, ở ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, với hai mươi năm làm công tác dân vận, cho biết, muốn làm dân vận tốt trước tiên phải vì lợi ích của dân.

Ấp Suối Dzui thuộc xã vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống mỗi hộ dân trước đây chỉ trông vào vài sào điều.

Là hội viên hội phũ nữ của ấp, chị Bin muốn làm gì đó để giúp đỡ chị em. Ban đầu chị vận động chị em tiết kiệm tiền chợ, nếu chị em nào có 100.000 đồng, hãy bớt lại 20.000 đồng, làm sổ tiết kiệm đưa cho hội phụ nữ... giữ giùm. “Chị em thấy cách làm có ích lợi nên làm theo, ít nhất là để tới ngày con cái nhập học không phải đi vay để đóng học phí. Về sau, càng ngày càng nhiều người tham gia. Có chị em sợ đi chợ mua hết tiền nên trước khi đi đem tiền gởi cho tôi”.

Bây giờ tổ tiết kiệm của chị Bin đã có 76 hội viên trên tổng số 330 chị em toàn xã. Chị Bin còn đề xuất thành lập tổ Mái ấm tình thương, tổ này hiện có 20 người. Mỗi tháng, mỗi hội viên gửi 250.000 đồng, một năm tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng. Với số tiền có được, mỗi năm tổ sẽ dùng để quay vòng xây hai căn nhà cho những trường hợp khó khăn nhất về nhà ở. Sau 5 năm thực hiện, đến nay đã có 6 căn được xây (hộ nghèo được nhận 20 triệu đồng), sửa chữa 8 căn khác. Chị Bin còn nhận hột điều về giao cho các chị em bóc vỏ thuê. Người nào làm tích cực, một ngày bóc được 10 kg cũng có 55.000 đồng, góp phần cải thiện cuộc sống.

Ông Trần Đình Hoàng, ở thôn 2 xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, làm công tác dân vận ở địa bàn nghèo, khó khăn không hề dễ. Ở đây, bà con chủ yếu trồng lúa, trồng cây ăn quả như bòn bon, bưởi, măng cụt và chăn nuôi. Trước năm 2005, tỷ lệ hộ đói nghèo của thôn 2 chiếm 54% (tổng số 159 hộ).

Dưới sự lãnh đạo của đảng ủy, khối dân vận, tổ dân vận thôn 2 đã vận động nhân dân tham gia lớp tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất nông nghiệp. Đời sống của bà con đã được nâng lên, nhà cửa được xây dựng, nhiều nhà đã có xe máy, tivi; góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo còn 0,81% (năm 2015).

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trong bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tất cả cán bộ chính quyền, đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận. Như thế, công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Điều này cũng đã được các cấp chính quyền, đoàn thể thực hiện, nhất là trong tình hình hiện nay. Ông Nguyễn Quang Điệp, Trưởng Ban dân vận tỉnh Quảng Ninh khẳng định, làm dân vận là phải: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng việc”. Khi Ban dân vận của tỉnh vận động người dân để giải phóng mặt bằng xây cảng hàng không Quảng Ninh, phải di chuyển 493 ngôi mộ trước Tết Nguyên đán 2015 và sơ tán 275 ngôi nhà, không ai dám nói là sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng Ban dân vận đã làm với quyết tâm cao nhất: Ban dân vận chỉ đạo, cùng với Mặt trận Tổ quốc phân công từ tỉnh xuống huyện, phân công rõ từng địa chỉ, trên cơ sở đó anh em bám sát cơ sở và đã hoàn thành công việc được giao.

“Từ đó, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn: Chúng ta làm dân vận tham mưu cho tỉnh ủy mà không phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, phân công không rõ ràng, không chủ trì được thì không tạo được sức mạnh. Đây là minh chứng cả hệ thống chính trị vào cuộc”, ông Điệp cho biết.

Về vấn đề này, ông Bùi Minh Quang, Trưởng Ban dân vận Đảng ủy khối cơ quan Trung ương cũng cho biết, hiện các bộ đã phân công các đồng chí thứ trưởng trực tiếp phục trách công tác dân vận. Tháng 9/2014, Ban dân vận Trung ương đã ký với Ban dân vận Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương tập trung đẩy mạnh công tác dân vận của các bộ, ngành.

Thiếu tướng Ngô Văn Bích, Cục trưởng Cục Dân vận (Bộ Quốc phòng) cũng cho biết: “Thực hiện công tác dân vận trong quân đội, chúng tôi tiến hành tổ chức kết nghĩa giữa đơn vị quân đội với các tổ chức, chính quyền, đoàn thể quần chúng ở địa phương, các lực lượng vũ trang tại địa bàn đóng quân; mở rộng các hình thức kết nghĩa, hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận”. Bên cạnh đó, tổ chức cho bộ đội hành quân về các địa bàn có nhiều khó khăn tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế ổn định đời sống; tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh.
Xuân Phong
Phát động cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng Dân vận

Biểu trưng phải đạt được những yêu cầu như: thẩm mỹ, khoa học, tính biểu cảm, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, kết hợp hài hòa giữa hình tượng và dòng chữ “Dân vận”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN