Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cùng đại diện lãnh đạo và nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực trẻ em tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việc phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em phù hợp với truyền thống, đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Dù sống trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, những thế hệ người Việt Nam vẫn luôn dành cho con cháu những điều tốt đẹp, dù là nhỏ nhất. Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo cho trẻ em.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít trẻ em Việt Nam phải sống trong nghèo đói, là nạn nhân của bạo hành, phân biệt đối xử, bị xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Bên cạnh đó, không ít những hành động của người lớn do nhận thức chưa đúng, hiểu biết chưa tới đã ảnh hưởng tới quá trình phát triển hướng tới chân - thiện - mỹ của trẻ em. Vì vậy, tất cả các ngành, các cấp và toàn xã hội cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa, chung tay đầy trách nhiệm và thật tâm cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, để tất cả trẻ em có được tuổi thơ tươi vui, tốt đẹp nhất.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế đã luôn ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phấn đấu không ngừng cho sự phát triển thịnh vượng của con người.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Ngày 20/2/1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em mà không bảo lưu một điều khoản nào. Công ước Quyền trẻ em là một văn kiện quốc tế mang tính nhân văn sâu sắc.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện trên mọi phương diện luật pháp, chính sách và thực tiễn. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội thông qua vào năm 1991 và sửa đổi vào các năm 2004, 2015 cùng với việc sửa đổi các Bộ Luật, Luật có liên quan đến trẻ em khác, về cơ bản đã hài hòa các quy định của hệ thống pháp luật trong nước với Công ước về quyền trẻ em.
Trong 25 năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, từ một nước nghèo có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho mọi trẻ em; bảo vệ và hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; từng bước thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em; xây dựng và triển khai ba chương trình hành động quốc gia vì trẻ em các giai đoạn 1991-2000; 2001-2010; 2011-2020). Nhờ đó, 90% trẻ em được tiêm đầy đủ 6 loại vắcxin, giảm được tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và phòng chống suy dinh dưỡng, trẻ được đi học đúng độ tuổi, được vui chơi giải trí và được bảo vệ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, việc thực hiện quyền trẻ em đặt ra nhiều thách thức mới, đặc biệt về bảo vệ trẻ em và đáp ứng các quyền tham gia của trẻ em.
Vì vậy, công tác bảo vệ trẻ em cần được thực hiện trên cơ sở củng cố và phát triển hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em và dịch vụ bảo vệ trẻ em. Các chương trình, kế hoạch cấp quốc gia hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ em, phát triển trẻ em toàn diện, hình thành một thế hệ trẻ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của đất nước giai đoạn hội nhập và phát triển.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ: Cam kết chính trị mạnh mẽ và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em.
Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao những bước tiến vững chắc mà Việt Nam đã đạt được đối với các chỉ số phát triển như: giảm nghèo, tỷ lệ nhập học, tử vong bà mẹ và trẻ em. Sự cam kết của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về các mục tiêu phát triển bền vững sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phát triển lấy người dân làm trung tâm và đảm bảo không bỏ sót trẻ em nào lại phía sau.