Các cán bộ trong ban cũng tận tình tư vấn cho người dân giải quyết khó khăn trong xác định nguồn gốc đất đai; lựa chọn những người có uy tín, có tiếng nói trong khu dân cư để thực hiện giải phóng mặt bằng trước… Với cách làm trên, nhiều năm qua thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn nằm trong top đầu của tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong năm 2022, Sầm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa giao giải phóng 152,46 ha để triển khai 37 dự án. Đến thời điểm hiện tại, Sầm Sơn đã giải ngân được trên 160 ha, đạt 102% kế hoạch được giao.
Tại dự án Quảng trường biển Sầm Sơn có tổng vốn lên đến gần 25.000 tỷ đồng, với tổng quy mô khoảng 550 ha. Đây cũng là dự án lớn nhất của Sầm Sơn với kỳ vọng góp phần đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực và đưa Sầm Sơn thành điểm du lịch 4 mùa. Điểm khó nhất của dự án cũng là đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng sau 2 năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thiện 99%.
Để có được kết quả này là cả một quá trình và quyết tâm của cả hệ thống chính trị của thành phố Sầm Sơn và của tỉnh Thanh Hóa để vận động, tuyên truyền người dân nhận thức đúng về pháp luật, nhận đền bù, di rời đến khu ở mới giúp thành phố triển khai thành công dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết, để đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự hỗ trợ của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các sở, ngành cấp tỉnh. Đối với Thành phố Sầm Sơn thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm; đồng thời, được đưa vào đánh giá kiểm điểm cuối năm.
Tại khu tái định cư Trung Kỳ, phường Trung Sơn đã khá khang trang. Hệ thống điện, nước ổn định, đường xã rộng rãi giúp cho các hộ dân ổn định sinh sống. Trước đây, khu phố Trung Kỳ được xem là điểm nóng nhất trong giải phóng mặt bằng ở Sầm Sơn, nhưng đến nay khu tái định cư Trung Kỳ cơ bản đã được lấp đầy các hộ dân đến sinh sống.
Nắm bắt được thực thực tế là người dân ở Sầm Sơn có nhiều hộ đi biển, các lãnh đạo, cán bộ, thành phố hết giờ làm việc đã đến tận nhà, thậm chí có những hôm phải đợi đến tối muộn mới gặp được ngư dân để tuyên truyền vận động thuyết phục và giải thích cho họ hiểu các quy định về công tác giải phóng mặt bằng, quyền lợi và trách nhiệm của người dân….
Ông Lê Đức Đạt, Phó phòng Phụ trách Phòng Giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm- Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn cho biết, để thuyết phục thành công cho một hộ dân di rời phải mất nhiều tháng. Đối với những hộ có nguồn gốc đất đai phức tạp, khó khăn trong công tác đền bù, đích thân Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố Sầm Sơn và các cán bộ trong Ban giải phóng mặt bằng đến tận nhà. Và 2 bên cùng trao đổi công việc để người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Việc tìm được tiếng nói chung giữa 2 bên trong việc di rời, nhận đền bù sẽ tạo điều kiện cho Sầm Sơn trở thành thành phố trẻ, năng động và đời con cháu họ sẽ được hưởng lợi.
Là một người phản đối quyết liệt việc nhận đền bù và di rời đến nơi ở mới, ông Cao Sỹ Đặt có đến 300 m2 đất ở trên tuyến đường Hồ Xuân Hương, tuyến đường giáp biển đẹp nhất thành phố Sầm Sơn và là người có tiếng nói trong khu dân cư trên tuyến đường Hồ Xuân Hương. Ông Đặt cho biết, ban đầu gia đình ông cũng không đồng thuận bởi chưa hiểu hết quy định pháp luật và chưa nắm rõ quyền lợi, lợi ích và trách nhiệm của gia đình đối với việc di rời về khu tái định cư mới. Nhưng khi được tuyên truyền vận động gia đình đã hiểu và chấp hành.
Sau khi được tuyên truyền và hiểu biết được đúng quyền lợi và trách nhiệm của mình, chính ông Đặt là người tiên phong di dời đến khu tái định cư mới và ông là người hỗ trợ đắc lực cho cán bộ trong Ban giải phóng mặt bằng tuyên truyền, vận động anh em, họ hàng, bạn bè cùng chấp hành tuân thủ đúng quy định. Đến nay, ông Đặt cũng tự hào là người góp công không nhỏ trong công tác giải phóng mặt bằng giúp dự án Quảng trường biển có được bộ mặt mới.
Hay gia đình ông Lê Văn Đại có gần 2.000 m đất ở tổ dân phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn, ông Đại cũng là người có tiếng nói trong khu dân cư. Ông Đại cho biết: "Ban đầu do chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin về giải phóng mặt bằng dự án gia đình tôi chưa đồng thuận. Tuy nhiên sau khi được lãnh đạo thành phố trực tiếp đến tận nhà tuyên truyền giải thích gia đình tôi đã về nơi ở mới tại khu tái định cư Trung Kỳ. Qua đó, những người dân như chúng tôi cũng góp một phần giúp thành phố Sầm Sơn ngày càng phát triển để thế hệ con cháu sau này có tương lai và cuộc sống tươi sáng hơn".
Để tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, thành phố cũng tổ chức vận động tuyên truyền bằng nhiều cách, như thông qua hệ thống thông tin truyền thanh, hội nghị hội họp từ thôn xóm, khu phố đến xã phường, hoặc thành phố tổ chức để giải đáp trực tiếp các khó khăn, vướng mắc cho các hộ dân.
Trong quá trình giải phóng mặt bằng có nhiều hộ có nguồn gốc đất đai phức tạp, để giải quyết vấn đề này ngoài việc các cán bộ trong ban giải phóng mặt bằng phải nâng cao nhiệm vụ chuyên môn, và phải thực sự công tâm trong công việc, thành phố cũng thường xuyên tham vấn các sở, ngành liên quan để giải quyết quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng niêm yết công khai dự toán giá đền bù để người dân được biết.
Cũng có điểm khác biệt đối với các địa phương khác trong giải phóng mặt bằng, đó là với những dự án lớn, Chủ tịch thành phố làm Trưởng Ban giải phóng mặt bằng. Yếu tố này cũng giúp cho các thành viên trong Ban giải phóng mặt bằng tích cực hơn, tâm huyết hơn trong công việc, đồng thời ngăn ngừa tiêu cực trong giải phóng mặt bằng.
Với những cách làm trên, Sầm Sơn luôn là một trong những địa phương đi đầu trong giải phóng mặt bằng. Việc hoàn thành định mức được giao về giải phóng mặt bằng cũng là điều kiện quan trọng để Sầm Sơn thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Cũng trong nhiều năm liên tục Sầm Sơn luôn nằm trong top 1 về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa.