Cùng với những công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” đã “cố thủ” nhiều năm nay, với việc mở mới các tuyến đường, Hà Nội lại xuất hiện thêm nhiều nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Lãnh đạo Hà Nội đặt quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng này, tuy nhiên, thực tế triển khai thì vẫn chưa được như mong muốn.Thiếu kinh phíDù lãnh đạo thành phố đã có những cơ chế, chính sách đầy đủ để giải quyết với 174 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn 7 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, tồn tại suốt từ trước ngày 15/3/2005 tới nay (thời điểm Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 21 của Luật Xây dựng có hiệu lực), nhưng việc xử lý xem ra vẫn chưa thể có “khởi sắc”.
Nhà “siêu mỏng siêu méo” đang tồn tại trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. |
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” trước năm 2005 là nguồn vốn. Đơn cử như quận Ba Đình có 69 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo”, để thu hồi sẽ cần tới hơn 100 tỷ đồng và quận… không biết lấy kinh phí từ đâu.
Tại quận Đống Đa có 19 trường hợp tồn tại từ trước năm 2005, thuộc dự án đường vành đai I, đường Cát Linh - La Thành, đường La Thành - Thái Hà - Láng. Quận đã giao các phường làm chủ đầu tư, lập dự án thu hồi để sử dụng vào mục đích công cộng, nhưng kinh phí dự kiến bố trí ngân sách để thu hồi này lên tới 7,5 tỷ đồng và quận vẫn chưa có.
Chưa giải quyết xong những trường hợp này, thì cùng với việc mở mới các tuyến đường Kim Mã - Trần Phú, vành đai 1, vành đai 2, đường Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên… đã phát sinh thêm 442 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”.
Địa phương cần chủ động hơnCác đơn vị tham gia việc giải phóng mặt bằng (GPMB) các tuyến đường trên tại quận Đống Đa đều khẳng định: Việc GPMB các tuyến đường đã khó khăn, nhưng giải quyết nhà “siêu mỏng, siêu méo” còn vất vả hơn, nếu không có biện pháp ngăn chặn từ đầu. “Các tuyến đường mới mở đều đi qua các khu dân cư làng xóm cũ, nên việc hình thành nhiều thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng là điều khó tránh khỏi. Cùng với đó, các phương án sử dụng đất sau khi thu hồi các thửa “siêu mỏng, siêu méo” cũng không hiệu quả. Trước đây UBND thành phố chỉ đạo đất “siêu mỏng, siêu méo” thu hồi làm bảng tin, trồng cây xanh, nhưng không phải chỗ nào cũng triển khai được”, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
Để giải quyết dứt điểm các công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại trước năm 2005 và các trường hợp mới phát sinh, Thường trực HĐND thành phố đề nghị thành phố sớm sửa đổi, điều chỉnh Quyết định 15/2011/QĐ-UBND cho phù hợp với Luật Đất đai, Luật Xây dựng mới ban hành và có chính sách khuyến khích các hộ dân hợp thửa, hợp khối để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời cân đối bố trí nguồn vốn, quỹ nhà tái định cư, phương án xử lý dứt điểm 174 trường hợp còn tồn đọng. |
Để giải quyết triệt để vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo”, các quận đề nghị, việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án để quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng theo quy hoạch khi GPMB mở đường. Đối với các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng nằm ngoài chỉ giới đường đỏ hai bên tuyến đường, phải chỉ đạo chủ đầu tư bố trí kinh phí và thực hiện GPMB, thu hồi đất cùng với GPMB dự án.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho rằng: Các quận chưa quan tâm, quyết liệt, thiếu chủ động trong việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” có tư tưởng trông chờ, coi đó là trách nhiệm của thành phố. Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) cũng chậm tham mưu cho thành phố quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường. Các quận, huyện cũng chưa thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý, thiết kế kiến trúc đô thị những tuyến đường, phố có lộ giới dưới 12 m, do đó chưa có phương án xử lý đồng bộ các diện tích nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” với việc thu hồi đất thực hiện dự án mở đường.
Qua đợt giám sát HĐND thành phố mới đây tại quận Cầu Giấy, đã đưa ra kinh nghiệm trong việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Cụ thể, ngay sau khi GPMB tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, để hạn chế thấp nhất các nhà “siêu mỏng, siêu méo”, quận đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, vận động người dân hợp thửa, hợp khối. Trong số 25 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo”, 11 trường hợp đã thỏa thuận hợp thửa, hợp khối xong (6 trường hợp đã được cấp giấy phép xây dựng); 12 trường hợp quận đã đề xuất thu hồi để xây dựng các công trình công cộng... Theo ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, các trường hợp không thể tự thỏa thuận được, hoặc không thể hợp thửa hoặc đứng độc lập tại các vị trí đầu ngõ, quận đang quản lý chặt chẽ để giữ nguyên hiện trạng.