Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông tin cho các ngành, địa phương và tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo phòng tránh, ứng phó kịp thời.
Các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ”, vận động người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng; khơi thông cống, rãnh dọc các tuyến đường, trong các khu dân cư để tạo thông thoáng dòng chảy và tránh ngập úng khi có mưa lớn; tập hợp lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có thiệt hại xảy ra; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ứng phó kịp thời tình hình ngập úng tạm thời do mưa lớn đối với lúa vụ Hè Thu 2024 đã xuống giống. Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương chủ động vận hành hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.
UBND tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất, hoạt động khai thác đánh bắt hải sản phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu.
Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó của tỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thiên tai đã làm 1 người bị thương, đổ sập 21 nhà dân, tốc mái 60 căn nhà ở các huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Minh, U Minh Thượng và thành phố Rạch Giá, ước tổng giá trị thiệt hại hơn 2,23 tỷ đồng. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm nước bốc hơi nhanh, khô cạn mặt nước, các kênh trong khu vực vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) đã xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông, nhà ở, ảnh hưởng đến sản xuất trong khu vực. Theo UBND huyện U Minh Thượng, đến nay đã có 444 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 11.095 m, 42 căn nhà bị sạt lở, sụt lún trên địa bàn các xã An Minh Bắc, xã Minh Thuận, ước giá trị thiệt hại về nhà ở hơn 5,53 tỷ đồng.
Tỉnh đã cấp kinh phí cho huyện U Minh Thượng 3,48 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiệt hại và khắc phục tạm thời đường giao thông nông thôn. Chính quyền huyện cũng đã kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ di dời các hộ dân, khắc phục tạm thời những đoạn giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún.