Điểm hẹn văn hóa
Trong ba năm thí điểm (2016-2019), tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra hàng trăm sự kiện và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng ấn tượng. Trong số này có 357 sự kiện văn hóa quy mô lớn, thu hút được sự tham gia của 10 tỉnh, thành phố trong nước và 24 quốc gia để lại ấn tượng tốt như: Không gian văn hóa dân tộc Mông-Hà Giang tại Hà Nội; Quảng Bình trong lòng Hà Nội; Đờn ca tài tử tỉnh Bến Tre; Festival Di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam; hoạt động giới thiệu quảng bá văn hóa của tỉnh Điện Biên, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Lạng Sơn...
Bên cạnh các sinh hoạt văn hóa trong nước, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm còn là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa nước ngoài như: Những ngày Văn hóa Nhật Bản và Lễ hội hoa Anh đào tại Hà Nội, Ngày hội hữu nghị Việt - Hàn kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, chương trình Festival thiếu nhi ASEAN+, chương trình “Ngôi làng châu Âu”...
Quận Hoàn Kiếm đã cấp 61 thẻ cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận như: Vẽ truyền thần, trưng bày sản phẩm truyền thống, bóng nghệ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian…
Ngay từ khi tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội thường xuyên duy trì 7 điểm cố định biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng UBND quận Hoàn Kiếm chủ động mời các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các sự kiện trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm để tạo điểm nhấn văn hóa và xây dựng thành chương trình cố định trong năm. Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Hà Nội tham mưu UBND thành phố hoàn thành việc công bố lịch các sự kiện văn hóa, thể thao trong không gian đi bộ xong trước ngày 31/10 hàng năm và tổ chức lễ hội ẩm thực Việt hàng năm tại không gian đi bộ.
Bên cạnh những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư và xã hội như: Sự kiện tuyên truyền về giữ gìn và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; phòng chống rác thải nhựa; tiết kiệm năng lượng; phong trào chống tác hại thuốc lá; tuyên truyền về Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng; chạy bộ giải báo Hà Nội mới …
Việc xây dựng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã góp phần hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm (di tích Quốc gia đặc biệt), góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình.
Lượng khách lưu trú gia tăng
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhận xét: Việc tổ chức không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và Thành phố. Việc tổ chức nhiều sự kiện đã thu hút đông khách du lịch tới tham quan và vui chơi, giải trí tại khu vực này. Theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm, trung bình ban ngày có từ 3.000 - 5.000 người tham quan, vui chơi, giải trí; buổi tối có từ 15.000 - 20.000 người. Con số này đặc biệt tăng nhanh vào các kỳ nghỉ lễ, tết, có thời điểm còn quá tải.
Lượng khách du lịch quốc tế lưu trú đến quận Hoàn Kiếm tăng nhanh (năm 2016 là hơn 1,3 triệu lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017 là hơn 1,9 triệu lượt người, tăng 30,2%; năm 2018 là gần 2,2 triệu lượt người, tăng 12% và 9 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 1,2 triệu lượt người tăng 13% so với cùng kỳ).
Kết quả này có được là nhờ sự liên kết vùng và dịch vụ. Điều này có thể thấy rõ qua việc quận Tây Hồ cũng tổ chức phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhưng không tổ chức được không gian văn hóa, lịch sử và dịch vụ đi kèm nên gần như bị lãng quên.
Từ khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động thí điểm, số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng lên 594 cơ sở, trong đó tại khu phố cổ, phố cũ là 568 cơ sở. Địa bàn quận cũng có 176 công ty lữ hành, 585 khách sạn và cơ sở lưu trú với 12.404 phòng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2016 đạt 5.387 tỷ đồng, thì đến năm 2017 đạt 7.020 tỷ đồng, năm 2018 đạt 8.840 tỷ đồng, ước năm 2019 đạt 9.749 tỷ đồng.
Sau ba năm thực hiện thí điểm, UBND thành phố đã báo cáo, xin ý kiến Thường trực Thành ủy đưa không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận triển khai chính thức. Đồng thời, thành phố tiếp tục chỉ đạo quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành triển khai duy trì, quản lý tốt các hoạt động tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tạo tính hấp dẫn cho điểm đến để phục vụ tốt hơn nhân dân Thủ đô và du khách.
Để tạo điểm nhấn cho không gian phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức lễ công bố sản phẩm trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ để thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, khách du lịch. Sở Du lịch Hà Nội, Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội đã tổ chức Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tại 28 phố Hàng Dầu để giới thiệu cung cấp thông tin miễn phí các chương trình tour thăm quan trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, 53 cửa hàng xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã chuyển đổi mặt hàng kinh doanh cho phù hợp, chủ yếu là các mặt hàng kinh doanh phục vụ du lịch, đồ lưu niệm, giải khát, ăn nhanh…
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhận xét: Các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới đều tổ chức phố đi bộ để giới thiệu điểm đặc sắc nhất của vùng. Khu vực phố cổ Hà Nội là điểm đến mà bất kỳ du khách nào đến Hà Nội đều muốn trải nghiệm. Việc tổ chức phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là xu hướng tất yếu. Sau thí điểm, việc quan trọng nhất với chính quyền Hà Nội là quản lý, giữ vệ sinh môi trường, gia tăng dịch vụ.
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã đạt giải Đặc biệt giải thưởng quy hoạch đô thị Quốc gia trong lĩnh vực dự án đã được đầu tư xây dựng do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức.