Khơi thông gói 120.000 tỷ đồng cho Nhà ở xã hội - Bài cuối: Cởi nút thắt về pháp lý, thủ tục để tăng nguồn cung

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội (NOXH) vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải. Nhất là trong thời gian qua, tại Hà Nội, dư luận xã hội lại nóng lên vì người dân phải chầu chực ngày đêm, chen lấn nộp hồ sơ mua căn hộ NOXH của Dự án NHS Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

Đất “sạch” cũng mất 500 ngày xin chủ trương đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ: Doanh nghiệp có 2 khu đất “sạch” ở Hoàng Mai (Hà Nội). Các khu đất này có quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội từ năm 2015, rất chi tiết về mật độ, chiều cao, dân số… Tuy nhiên, khi làm thủ tục làm NOXH, Hòa Bình Group phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư dự án làm NOXH cho 1 khu đất. Trong khi đó, thời điểm Hòa Bình Group quảng bá dự án, công bố căn hộ mẫu thì nhu cầu đăng ký mua của người dân, cán bộ rất lớn. Rất mong được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng… quan tâm hơn nữa về thủ tục hành chính về NOXH để thúc đẩy tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại - xây dựng Lê Thành, một số ngân hàng đã chủ động tiếp cận với dự án NOXH đang làm thủ tục và sẵn sàng rót vốn theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nếu dự án đủ pháp lý.

Phía công ty hiện có dự án NOXH Lê Thành - Tân Kiên đang triển khai và đã có BIDV tiếp cận. Phía ngân hàng đã lấy hồ sơ dự án này để làm thủ tục, xin chủ trương cho vay sẵn. Đến khi dự án của Lê Thành xong pháp lý, BIDV sẽ hoàn thiện thủ tục cho vay. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án NOXH hiện nay giải quyết quá chậm.

“Đến nay, dự án Lê Thành - Tân Kiên đã có hơn 4 năm, song vẫn chưa được phê duyệt xong các thủ tục pháp lý để xây dựng. Nếu không tháo gỡ được vấn đề này, doanh nghiệp rất khó đẩy nhanh triển khai các dự án NOXH theo kế hoạch”, ông Lê Hữu Nghĩa than thở.

Sửa đổi quy định bất cập, rút ngắn thủ tục hành chính

Một cách giải quyết cho câu chuyện cung NOXH thiếu hụt trầm trọng hiện nay được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc tới, đó là thực hiện chủ trương phát triển quỹ đất sạch bởi chi phí đất thường chiếm một tỷ lệ lớn trong chi phí xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, điều này là vô cùng khó khăn trong thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh đang  cực kỳ khan hiếm quỹ đất, nếu có thì không phù hợp và không hấp dẫn người mua nhà. Tương tự, quỹ đất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp - nơi thuận tiện và có nhu cầu lớn về NOXH, cũng gần như không còn.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), vướng mắc đang nằm trong quy định, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất, ưu đãi thu hút nhà đầu tư…

“Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi cho rằng cần có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng thanh khoản cho thị trường, khi mà có nguồn cung thì dòng vốn cho NOXH sẽ được khơi thông”, bà Hà Thu Giang kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, tình trạng khan hiếm dự án NOXH xảy ra hầu hết ở các địa phương, rất ít người dân có được hợp đồng mua nhà.

“Đối với chủ đầu tư muốn đầu tư NOXH, dự án phải được chính quyền phê duyệt qua rất nhiều khâu thủ tục. Theo luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đầu tư vào NOXH, có những quy định khiến các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn khi đầu tư, tiếp cận NOXH”, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết.

Video Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường chia sẻ về nhà ở xã hội hiện nay:

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 19/5, Việt Nam đã hoàn thành 307 dự án NOXH, với quy mô 157.000 căn, tổng diện tích 8 triệu m3 và đang tiếp tục triển khai 418 dự án NOXH, kể cả loại dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, 100/418 dự án đã được cấp phép và triển khai đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển NOXH nói chung vẫn có nhiều điểm nghẽn. Theo luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển NOXH nhưng đây là quy định khá cứng nhắc.

“Cụ thể, trong các dự án có suất đầu tư cao, vị trí đất vàng, hoặc đặc thù như resort, nghỉ dưỡng trên triền núi cao…. việc bố trí quỹ đất này để phát triển NOXH là không phù hợp; hoặc các dự án chung cư có suất đầu tư siêu cao, 60 - 80 triệu/m2 thì việc bố trí người thu nhập thấp, chỉ phải chịu tiền vận hành cũng khó khăn cho họ. Hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 35% diện tích quỹ đất yêu cầu về NOXH”, ông Hà Quang Hưng cho biết.

Trong khi đó, theo đại diện Bộ Xây dựng, trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài do pháp luật quy định trình tự làm NOXH không khác gì nhà ở thương mại, thậm chí có bước còn nhiều hơn. “Chính sách hỗ trợ chủ đầu tư cũng có nhiều bất cáp. Dù luật có quy định miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng - VAT, thu nhập doanh nghiệp khoảng 50%, được ưu đãi tiếp cận vốn… nhưng các chính sách chưa thực chất, bởi vì mấu chốt quy định là dù có ưu đãi nhưng chủ đầu tư khi áp dụng ưu đãi thì không được tính vào giá bán, như vậy bản chất là chủ đầu tư không được hưởng, dẫn đến không thu hút được chủ đầu tư.

“Theo báo cáo chúng tôi nhận được, giai đoạn từ năm 2016 - 2021, chúng ta mới bố trí được nguồn vốn tín dụng 3.163 tỷ đồng trên nhu cầu khoảng 9.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cấp cho vay đối tượng người mua. Còn đối tượng chủ đầu tư thì đến nay chúng ta chưa bố trí được, gần đây mới có gói 120.000 tỷ đồng để bố trí cho chủ đầu tư”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) kiến nghị: Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Theo đó, các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Bên cạnh đó, UBND các địa phương cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại (NHTM).

Cần có quy trình đấu thầu riêng đối với dự án NOXH

Theo ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, thủ tục hành chính nhà ở, nhất là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư NOXH thực hiện theo luật Nhà ở 2014, luật Đầu tư 2020.

"Khi triển khai đề xuất ban hành kế hoạch phát triển nhà ở, chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng nhu cầu về nhà ở xã hội tại thành phố Hà Nội rất lớn nên không có lý do gì Sở xây dựng trì hoãn thủ tục hành chính về nhà ở xã hội", ông Bùi Tiến Thành cho biết.

Về chủ trương giảm thủ tục hành chính, theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều cơ quan ban, ngành đã có lộ trình giảm thời gian thực hiện các đầu việc. Tuy nhiên, vấn đề căn cốt là cần giảm các đầu việc trong trình tự thủ tục hành chính. Đơn cử, đã có thủ tục chủ trương đầu tư rồi thì không cần thẩm định thiết kế cơ sở nữa… như vậy sẽ giảm được rất nhiều thời gian.

“Về lựa chọn chủ đầu tư dự án, khi xác định các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia triển khai dự án, xét thấy tất cả đều đủ điều kiện thì nên cho bốc thăm cho nhanh, còn nếu thực hiện theo đấu thầu thì thủ tục phải mất đến gần 2 năm. Chưa kể các thủ tục khác như giải phóng mặt bằng… nên thời gian triển khai dự án sẽ rất lâu. Đối với dự án nhà ở, nhất là NOXH mà bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì cũng nên có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu nhưng trên tinh thần tinh gọn, giảm thiểu nhất có thể để sớm có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho người dân”, ông Bùi Tiến Thành kiến nghị.

Theo chuyên gia Sở Xây dựng Hà Nội, với dự án NOXH, nhà ở công nhân, sinh viên thì thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, thật tinh gọn, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại. Như vậy, cũng là thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng, tăng nguồn cung. Đặc biệt, dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng cũng thúc đẩy nhiều ngành nghề khác: vật liệu xây dựng, điện, nội thất… phát triển nên cần tạo điều kiện thuận lợi.

Sẽ thanh tra các vi phạm mua bán NOXH, sai sẽ thu hồi
Thời gian qua, qua phản ánh của báo chí một số dự án, một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk,… có hiện tượng đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng sự khan hiếm nhà ở xã hội mua bán nhằm trục lợi. Bộ Xây dựng xác định những hành vi này thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt các chính sách về NOXH.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn; cương quyết phát hiện những trường hợp không đúng đối tượng phải thu hồi hồ sơ.

“Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương, nơi xảy ra hiện tượng như vậy có thanh tra, kiểm tra, làm rõ sự việc. Trên cơ sở đó sẽ có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời, nếu phát hiện thấy sai sẽ thu hồi lại”, ông Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Minh Phương-Trung Nguyên
Thủ tướng dự khánh thành cầu Như Nguyệt và khởi công dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang
Thủ tướng dự khánh thành cầu Như Nguyệt và khởi công dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang

Chiều 16/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ, cắt băng khánh thành cầu Như Nguyệt mới (cầu Như Nguyệt 2) và dự Lễ, thực hiện nghi thức khởi công dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại tỉnh Bắc Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN