Khi phóng viên nữ 'lăn xả' tác nghiệp giữa mùa dịch COVID-19

Phóng viên nam tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã khó, nhưng đã có không ít phóng viên nữ cũng vừa “lăn xả” với nghề để mang thông tin nhanh chóng đến với độc giả, vừa phải gánh vác việc con cái, gia đình.

Do dịch bệnh, con cái phải nghỉ học, các phóng viên nữ lại “gánh” thêm gánh nặng hơn khi phải sắp xếp chu toàn mọi công việc ở cơ quan và gia đình mình.

Chạy đua với thời gian

Dù đã nhiều lần tác nghiệp trong các đợt dịch bệnh COVID-19, nhưng đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 này vẫn khiến phóng viên Nguyễn Thị Thủy (bút danh Nguyễn Thủy), đang công tác tại báo Nông Nghiệp Việt Nam có tâm trạng lo lắng, hồi hộp khi tác nghiệp.

Chú thích ảnh
Phòng viên Nguyễn Thủy tác nghiệp tại một cữa ngõ chốt trạm ra vào tâm dịch quận Gò Vấp trong ngày 14/6. 

 Theo phóng viên Nguyễn Thủy, đợt dịch bệnh COVID-19 lần này tại TP Hồ Chí Minh kéo dài hơn các đợt dịch trước, số lượng ca mắc COVID-19 cũng liên tục tăng, đội ngũ y bác sỹ cũng phải căng mình chống dịch và đội ngũ phóng viên nói chung, các phóng viên nữ nói riêng cũng phải tăng tần suất đưa tin về dịch gấp nhiều lần.

Phóng viên Thủy cho biết: “Số ca mắc COVID-19 liên tục tăng khiến tôi rất lo lắng, hồi hộp. Lo lắng vì mình khi đi làm trong mùa dịch liệu có “va” phải F0, F1, F2 nào trong cộng đồng hay không và liệu mình có mang dịch bệnh về nhà, rồi lây cho các con hay không? Trong công việc thì lo lắng tin bài chưa kịp đăng đã có thông tin mới phải cập nhật. Tuy nhiên, dù có lo lắng nhưng năng suất làm việc của tôi tăng nhanh gấp nhiều lần; các kỹ năng như liên hệ phỏng vấn, liên hệ nhân vật, viết bài, tìm hiểu thông tin… cũng đã hoàn thiện hơn. Bởi trước kia, muốn hoàn thành một bài viết, tôi cần phải đi tìm hiểu mất thời gian từ 4-6 ngày. Còn hiện nay, chỉ cần 1 ngày là tôi đã có bài viết đầy đủ, chỉ cần chậm 1-2 ngày là mọi thông tin mình ghi nhận đều thành cũ, thành “nguội”".

Chú thích ảnh
Phóng viên Nguyễn Thủy tận dụng chiếc ghế làm bàn tác nghiệp ngay tại lễ khởi động Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 TP Hồ Chí Minh trong ngày 19/6.

 Phóng viên Nguyễn Thủy cho biết thêm, trong thời gian “chạy dịch”, điều khiến phóng viên lo lắng nữa là các tin, bài viết về dịch bệnh liên tục bị “đánh rớt” do tình hình dịch bệnh liên tục được cập nhật mới. Chỉ cần khoảng 30 phút - 1 giờ thì những tin bài viết trước đó có thể đã trở thành tin “nguội”. Cũng vì phải cập nhật tình hình dịch bệnh liên tục nên gần đây, thời gian phóng viên Nguyễn Thủy phải ngồi “ôm” máy tính, điện thoại di động suốt cả ngày mà chẳng còn thời gian đâu lo cho con cái, gia đình.

“Chị có sợ mình không may bị nhiễm bệnh rồi sẽ lây sang con, gia đình khi về nhà hay không?” – tôi hỏi. “Dù có kinh nghiệm tác nghiệp trong các mùa dịch trước nhưng thỉnh thoảng vì đam mê với nghề, tôi vẫn lao vào tâm dịch để lấy thông tin mà chưa kịp suy nghĩ gì. Khi ấy, tôi chỉ biết cố gắng bảo vệ mình bằng khẩu trang, quần áo bảo hộ, nước rửa tay, đeo kính ngăn giọt bắn… khi tiếp cận phỏng vấn các bệnh nhân, những trường hợp nghi nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly… Cũng may, với nguyên tắc luôn đeo khẩu trang, kịp thời sát khuẩn, phòng dịch kỹ càng… mà tôi vẫn an toàn tác nghiệp qua 4 đợt dịch bệnh bùng phát”, phóng viên Nguyễn Thủy cho biết.

Chú thích ảnh
Phóng viên Nguyễn Thủy tác nghiệp tại phòng chăm sóc đặc biệt Khoa Thận Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) khi cậu bé Thổ Văn Minh, người dân tộc Chăm (9 tuổi) được phẫu thuật thành công sau khi nhận quả thận hiến tặng từ Cha. NVCC

 Theo phóng viên Nguyễn Thuỷ, để đảm bảo an toàn cho gia đình trong thời gian đi tác nghiệp, trước khi về nhà, nếu nơi tác nghiệp gần cơ quan, chị sẽ về cơ quan tắm rửa sạch sẽ rồi mới trở về nhà. Nếu làm việc gần nhà, chị sẽ tranh thủ về nhà sớm hơn tất cả mọi người để tắm rửa sạch sẽ, sau đó mới đi đón các con ở bên nhà bà ngoại trở về.  “Gia đình tôi đang có 2 người già và 2 trẻ con, vì vậy tôi phải luôn tự ý thức đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mình khi tác nghiệp. Có như vậy, tôi mới hoàn thành nhiệm vụ và vẫn có thể bảo vệ gia đình mình trước dịch bệnh”, phóng viên Nguyễn Thủy tâm sự.

 Trong đợt dịch thứ tư này tại TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày ngành y tế đều có các cập nhật thông tin các ca mắc COVID-19 mới vào buổi sáng, trưa, chiều và cả đêm khuya (12 giờ đêm) thì nhóm phóng viên y tế cũng hay nói đùa với nhau như: “Hôm nay có xổ số không?”, “xổ số hôm nay bao nhiêu”, “Hôm nay hết ca bệnh chưa để mình đóng máy?…

Tự hào khi làm phóng viên tuyến đầu

Là phóng viên theo dõi mảng y tế nhiều năm tại TP Hồ Chí Minh, phóng viên Bạch Dương đang công tác tại báo Dân Việt cũng đã chuẩn bị tâm lý. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát nhanh cũng khiến phóng viên kỳ cựu như chị không khỏi bỡ ngỡ.

Chú thích ảnh
Phóng viên Bạch Dương tác nghiệp trong đợt đón đoàn khách TP Hồ Chí Minh đầu tiên được trở về từ Đà Nẵng.

Phóng viên Bạch Dương cho biết: “Khi dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi thường xuyên phải tiếp cận các nguồn tin để có được những thông tin chính xác nhất cho bạn đọc. Cũng vì phải cập nhật thông tin dịch bệnh thường xuyên nên mọi sinh hoạt của tôi và gia đình cũng thay đổi. Theo đó, sáng sớm hay đêm khuya, tôi vẫn luôn túc trực ở những “điểm nóng” như khu cách ly, bệnh viện điều trị COVID-19. Thời gian kết thúc công việc để về nhà của tôi cũng thất thường hơn trước. Có ngày, tôi rời nhà đi làm từ 3 giờ sáng và có ngày tôi lại về nhà sau 12 giờ đêm, lúc mọi người trong nhà đều chìm vào giấc ngủ”.

Theo phóng viên Bạch Dương, do là phóng viên nữ, chị có lợi thế hơn cánh “mày râu” khi tiếp cận phỏng vấn, khai thác câu chuyện bởi khả năng thuyết phục, sự khéo léo, cẩn thận khi tác nghiệp, khai thác thông tin trong các điểm cách ly hay từ các bác sĩ trực tiếp điều trị COVID-19. Tuy nhiên, hạn chế của phóng viên nữ là không thể lăn xả hàng đêm trên các điểm cách ly, điểm phong tỏa, hoặc đi các địa bàn xa liên tục nhiều ngày như các phóng viên nam.

“Chúng tôi còn phải lo cho gia đình, con cái vì đa số các phóng viên nữ đều không đành lòng bỏ mặc các con ở nhà một mình. Tuy nhiên, tôi vẫn còn khá may mắn vì con đã lớn nên bé có thể tự lập được chuyện học hành, ăn uống mà không cần quá phụ thuộc vào mẹ. Điều này làm động lực, hậu phương vững chắc cho tôi chắc tay bút trên mặt trận, đem thông tin chính xác đến độc giả”, phóng viên Bạch Dương tâm sự.

Theo phóng viên Bạch Dương, hiện nay điều mà bất kỳ phóng viên y tế nào khi tác nghiệp trong mùa dịch cũng băn khoăn, lo lắng chính là lượng thông tin giả, thông tin sai sự thật đang phát tán trên các trang mạng xã hội ngày càng nhiều. Chính điều này càng thôi thúc những phóng viên, người làm báo tâm huyết phải đi tìm hiểu, xác minh kỹ càng để có những thông tin chuẩn xác, trung thực nhất cho độc giả.

“Điều cũng khiến tôi lo lắng chính là khi mình đi tác nghiệp trong các khu vực có nguy cơ cao, liệu mình có vô tình mang mầm bệnh về nhà hay không? Dù ai cũng biết dịch bệnh nguy hiểm, nhưng tôi luôn tuân thủ các quy tắc 5K, sát khuẩn sạch sẽ khi tác nghiệp để hạn chế tối đa việc có thể nhiễm bệnh. Chính vì thế, tôi cũng không cảm thấy lo lắng khi đi tác nghiệp ở bệnh viện, khu cách ly, sân bay... Trái lại, tôi còn cảm thấy tự hào khi được đến những nơi đó để mang đến cho độc giả những hình ảnh chân thực, cảm động nhất về các đội ngũ y, bác sỹ… để cùng thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống COVID-19 của nước nhà. Vừa qua, do tác nghiệp trong môi trường có nguy cơ cao nên gần 100 phóng viên theo mảng y tế, trong đó có tôi, cũng đã được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây cũng là một sự động viên rất lớn cho đội ngũ phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch bệnh”, chị Bạch Dương cho biết.

Chú thích ảnh
Phóng viên Bạch Dương (áo xanh, ở giữa) tác nghiệp tại lễ khởi động Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 19/6.

Bốn lần tác nghiệp trong 4 đợt dịch bệnh bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, phóng viên Bạch Dương cho biết, kỉ niệm đáng nhớ nhất với chị là đợt ra sân bay Tân Sơn Nhất đón đoàn khách TP Hồ Chí Minh đầu tiên được trở về từ Đà Nẵng, sau khi Đà Nẵng dỡ phong tỏa trong đợt dịch COVID thứ 2 bùng phát.

“Để đảm bảo an toàn cho phóng viên khi tác nghiệp trong khu vực cách ly, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ như nhân viên y tế và tuyệt đối không được đứng quá gần hành khách. Trước khi vào gặp hành khách, chúng tôi phải thực hiện khử khuẩn toàn bộ thiết bị mang theo khi muốn ra vào tác nghiệp. Khi đoàn hành khách vừa bước ra khỏi máy bay, ấn tượng mạnh với tôi là chuyến bay “giải cứu” nhưng lại có rất nhiều em nhỏ, bé nhỏ nhất còn đang ẵm ngửa. Các em bé chỉ 5-6 tuổi nhưng rất tuân thủ quy định mặc những bộ đồ bảo hộ dài kín hết cả tay chân. Dù biết vướng víu, khó chịu nhưng các em vẫn rất ngoan, cười rất tươi khi các cô chú phóng viên chụp ảnh và không ai quấy khóc, bởi tất cả các bé đều đang có chung một niềm vui là được trở về nhà sau chuỗi ngày dài chống dịch tại Đà Nẵng”, phóng viên Bạch Dương cho biết.

 Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, trong các đợt dịch bệnh vừa qua, đội ngũ phóng viên, nhà báo tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến cho công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh của Thành phố. Sự cống hiến hết mình cho công việc của các phóng viên nói chung và phóng viên nữ nói riêng đã thể hiện đúng tinh thần quyết tâm chống dịch nhanh, quyết liệt của TP Hồ Chí Minh nhằm sớm trả lại cuộc sống bình yên cho người dân. Mặt khác, nhờ các phóng viên, nhà báo chuyên “lăn xả” với nghề mà những thông tin mới về chủ trương, biện pháp, các chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh, Chính phủ, Nhà nước trong công tác chống dịch được lan tỏa rộng rãi, kịp thời trong cộng đồng, từ đó giúp ngăn ngừa các tin giả, tin độc hại trên các trang mạng xã hội…
Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Thách thức mới của phóng viên cũ
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Thách thức mới của phóng viên cũ

Trước khi sang Rome, nhiều người nói với tôi rằng chị sướng nhé, 3 nhiệm kỳ ở 3 châu lục, rằng chị có kinh nghiệm thì lo gì. Thế nhưng dù mới ở Rome hơn hai tuần, tôi đã cảm nhận được những thách thức của nhiệm kỳ mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN