Khát vọng của những phụ nữ mưu sinh trên đường phố

Đi dọc trên các con đường của thành phố Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận), chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ hàng ngày nhọc nhằn bươn chải mưu sinh trên đường bằng đủ thứ nghề từ bán vé số, bán hàng rong, lượm ve chai cho đến quét rác, cắt cỏ, tưới cây xanh… Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, song họ đều có một có một khát vọng được sống và lao động để đóng góp chút công sức cho gia đình, cho xã hội.

Giữa cái nắng trưa gay gắt của Phan Rang, tôi gặp cô Lê Thị Phương (60 tuổi, ở phường Tân Hội, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) khi cô đang lầm lũi cúi nhặt những tờ giấy, mảnh bìa, vỏ hộp thuốc lá rơi vãi bên đường. Chồng cô bị bệnh loạn thần kinh nên không lao động được, con cái thì đã có gia đình nhưng cuộc sống cũng khó khăn. Trước đây cô làm ruộng nhưng giờ yếu rồi không còn sức lao động nặng nhọc nên chuyển sang cái nghề nhặt ve chai này đã 5-6 năm nay. Nhiều người bán quán thương tình cũng hay cho cô các chai nhựa, vỏ lon sữa, giấy bìa… Cả tuần dồn lại rồi bán cũng kiếm được khoảng 70.000 đồng. Cô tự hào: "Cái nghề nhặt ve chai tuy vất vả, chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng ít nhiều cũng có cái để tự lo cho cuộc sống gia đình và góp phần làm sạch đường phố nhờ gom nhặt túi ni lông, chai nhựa trên đường".

Lang thang ở quán cà phê cóc ven đường, tôi gặp chị Thái Thị Kim Huế (38 tuổi), quê ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Chị cho biết, chị vào Ninh Thuận từ năm 1994. Ban đầu mới vào chị cũng đi làm thuê làm mướn, rửa bát cho các quán ăn ở đây. Rồi chị “bén duyên” với cái nghề bán vé số đã ngót gần 10 năm. Ngày nào cũng vậy, chị dậy từ sáng sớm, đến đại lý lấy vé số và bắt đầu một ngày rong ruổi trên khắp các đường phố cho đến tối mịt mới về nhà. Đi bộ miết cũng quen nên chị cũng không thể nào biết được mỗi ngày mình đi bao nhiêu cây số. Lấy tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán, chị Huế cho biết trước đây chị còn kiếm được kha khá, nhưng giờ người đi bán vé số nhiều nên mỗi ngày chị cũng chỉ kiếm được bình quân khoảng 30.000 – 40.000 đồng. Để nuôi 2 đứa con nhỏ còn đi học (một đứa học lớp 8 và một đứa 6 tuổi), ngoài việc bán vé số, chị Huế cũng tranh thủ phụ việc lặt vặt ở các quán để có thêm đồng ra đồng vào. Ngày nắng không nói, những ngày mưa chị vẫn đội áo mưa đi bán dù biết sẽ chẳng bán được bao nhiêu.


Rong ruổi trên khắp các con đường từ sáng đến tối, nhưng mỗi ngày chị Thái Thị Kim Huế cũng chỉ kiếm được từ 30.000- 40.000 đồng.



Cùng cảnh xa quê như chị Huế, chị Trần Thị Thu Nhi (26 tuổi) từ Quảng Ngãi vào đất Phan Rang đầy nắng gió này đã được 4 năm. Hàng ngày, chị mang một gánh hàng rong với đủ thứ hàng đi bán dạo trên khắp các đường phố. Chị nói rằng nghề này bấp bênh lắm, ngày được ngày không, hôm nào cao lắm thì kiếm được 50.000 đồng. Với số tiền kiếm được ít ỏi, ngoài các khoản chi tiêu sinh hoạt và tiền phòng trọ, chị còn phải để dành để gửi về quê phụ giúp gia đình nuôi 4 đứa em đi học. “Dù cuộc sống xa nhà biết bao thiếu thốn, nhưng cứ nghĩ mình làm được cái gì đó giúp cho gia đình là vui lắm rồi”, chị Nhi chia sẻ.

Đối với chị Huế, chị Nhi, cô Phương hay biết bao người phụ nữ khác, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với họ được lao động để phụ giúp gia đình cũng chính là một niềm hạnh phúc. Gia đình là sức mạnh để ngày ngày họ kiên trì lao động như những cánh chim không mỏi, làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Dù những lo toan vất vả của cuộc sống hằn in trên khuôn mặt mỗi người, nhưng ở họ vẫn không thiếu đi nụ cười lạc quan và một niềm tin vào cuộc sống.

Lan Phương

Mưu sinh trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3
Mưu sinh trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3

Tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, xã Đắk Som, huyện Đắk G’long (Đắk Nông) có hàng trăm người dân di cư từ nhiều nơi đến mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá bè, bất chấp điều kiện khó khăn, nguy hiểm sẽ ập đến bất cứ lúc nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN