Khẩn trương ứng phó với bão số 7

Bão số 7 đang tiến vào đất liền, các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

 

* Theo Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đến nay các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đều đã có công điện về công tác triển khai đối phó với cơn bão số 7. Đến ngày 5/10, các tỉnh đã kiểm đếm và thông báo cho tổng số 44.052 tàu/152.874 người đang hoạt động trên biển và neo đậu, biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Dung tích các hồ chứa các tỉnh miền Trung phổ biến đạt từ 30-70% so với dung tích thiết kế. Dung tích các hồ chứa khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 40-80% so với thiết kế. Một số hồ có dung tích lớn hơn như Cam Ranh (Khánh Hòa): 85%; Suối Trầu (Khánh Hòa): 100%, Tân Giang (Ninh Thuận): 86%, Trà Co (Ninh Thuận): 71%. Một số hồ đang xả điều tiết, mực nước lúc 7 giờ ngày 4/10: Định Bình (Bình Định): 141,8m3/s; Cam Ranh (Khánh Hòa): 4,15m3/s; Hồ Tân Giang (Ninh Thuận): 23,78m3/s Ia Ring (Gia Lai): 4,0m3/s. Các hồ đang vận hành bình thường và không xả qua tràn.

 

* Hiện tỉnh Quảng Bình có 4.037 tàu/17.399 ngư dân đã vào bờ neo đậu; 3.995 tàu/17.084 ngư dân hoạt động gần bờ; còn 42 tàu/315 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị và đã nắm được thông tin bão số 7 để tránh bão. Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ với 10 phương tiện như ca nô và xe thường trực, sẵn sàng cơ động ứng phó với bão số 7. Các sở, ngành, địa phương chuẩn bị phương án ứng phó với bão như: Đảm bảo an toàn khu dân cư khu vực trung du, miền núi với phương châm “chủ động phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi”, hạn chế thiệt hại do bão gây ra; đảm bảo an toàn dân cư khu vực đồng bằng ven biển, người và phương tiện trên biển; tổ chức các khu neo đậu cho tàu, thuyền đảm bảo an toàn. Bố trí các phao tiêu, biển báo ở các cửa sông, luồng lạch để tàu thuyền đi lại thuận lợi; sẵn sàng di dời dân ven biển, vùng bị xói, lở đến nơi an toàn khi có bão lụt xảy ra; theo dõi chặt diễn biến mực nước các hồ chứa, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.

 

* Các địa phương trong tỉnh Bình Định, nhất là các huyện ven biển như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn đang tích cực triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó trước khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền. Tại Cảng cá Quy Nhơn, đến sáng 5/10 đã có hàng nghìn tàu thuyền vào neo đậu trật tự thành hàng và chống va đập khi có bão. Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Cảng cho biết: Sau khi nhận được thông báo cơn bão số 7 có thể đổ bộ vào Bình Định, Cảng đã tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ để hướng dẫn cho tàu, thuyền của địa phương và các tỉnh khác vào neo đậu trật tự và an toàn.

 

Tại các xã ven biển Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội và Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, đã cung ứng 65.000 bao cát để kịp thời chống xói lở ven biển; những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đã được sắp xếp đến nơi di chuyển an toàn khi có lệnh. Riêng xã đảo Nhơn Châu đã chuẩn bị trên 10 tấn lương thực (ngoài chuẩn bị của người dân) để đảm bảo trong tình huống bão và triều cường kéo dài vẫn đủ sử dụng cho người dân trên đảo trong vòng 10 ngày. Theo Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, đến nay tỉnh Bình Định có 7.586 tàu/41.642 lao động, trong đó đã có 5.821 tàu/30.859 lao động đã vào bờ neo đậu an toàn.

 

* Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Kon Tum, từ ngày 6 đến ngày 8/10, bão số 7 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Kon Tum, đặc biệt là các huyện Tumơrông, Kon Plông và Đăk Glei, trong đó khả năng xảy ra lũ lụt là rất lớn. UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND tất cả 9 huyện, thành phố trong tỉnh huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tham gia phòng chống, ứng phó cơn bão số 7. Đến nay, tất cả các huyện, thành phố đã thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống lụt bão với phương châm “4 tại chỗ”.

 

9 huyện, thành phố của Kon Tum đã kiểm tra, rà soát những làng, hộ dân sinh sống gần khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất đá, lũ lụt, thông báo, cảnh báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động đối phó. Chính quyền cũng thông báo với các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình ở khu vực ven sông, ven suối, vùng thường xảy ra lũ lụt, sạt lở đất trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh; cử người canh gác, nghiêm cấm việc đi lại ở các bến đò ngang, ngầm giao thông ngập sâu khi có mưa to, lũ, tuyệt đối không để xảy ra chết người do thiếu trách nhiệm; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng, chống lụt bão (24/24 giờ).

 

* Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương nghiêm cấm tất cả các loại tàu thuyền ra khơi kể từ 16 giờ cùng ngày cho đến khi bão kết thúc. Trên 8.700 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, phương tiện thủy nội địa đã được cơ quan chức năng thông báo thường xuyên tình hình bão số 7 và yêu cầu này. Riêng 34 tàu cùng 339 ngư dân đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, lực lượng chức năng đã liên lạc được, tất cả các tàu trên đã tìm được nơi trú tránh.

 

Ban chỉ huy PCBL tỉnh yêu cầu Ban quản lý các hồ chứa nước, thủy điện xả bớt lượng nước trong hồ, đảm bảo an toàn công trình, tránh ngập lụt cho hạ lưu; các địa phương tổ chức trực ban 24/24, rà soát lại các hộ dân nằm trong vùng lũ quét, sạt lở và sẵn sàng sơ tán trong tình huống nguy cấp, chuẩn bị lực lượng và phương tiện với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

 

 

PV TTXVN tại các địa phương

Chiều mai, bão đổ bộ vào miền Trung, Tây Nguyên
Chiều mai, bão đổ bộ vào miền Trung, Tây Nguyên

Từ chiều tối và đêm 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên có gió mạnh. Từ chiều mai, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN