Từ chiều tối và đêm 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên có gió mạnh. Từ chiều mai, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo nhận định mới nhất của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Từ sáng mai (6/10), vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều tối và đêm 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Từ chiều mai (6/10) ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.
Dự kiến đường đi của cơn bão. Nguồn: nchmf.gov.vn |
Hồi 13 giờ ngày 5/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi – Phú Yên khoảng 700 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 6/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Phú Yên khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 13 giờ ngày 7/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều tối mai (6/10), mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên.
Để ứng phó với cơn bão số 7 đang tiến vào đất liền, hiện Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn các tàu trú, tránh bão, cung cấp kịp thời thông tin về tình hình tàu thuyền về Ban Chỉ đạo PCLBTW; duy trì 3.210 cán bộ chiến sỹ/180 phương tiện các loại sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống. Ủy ban Quốc gia TKCN chỉ đạo Quân khu 4, 5 triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng đối phó với bão, lũ.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công điện đôn đốc chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác chủ động phòng, chống bão số 7, phân công các thành viên xuống các địa bàn đôn đốc chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó với bão. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ tàu thuyền biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức neo đậu tàu thuyền tại các cảng, âu tàu và khu tránh trú bão.
Các tỉnh, thành phố Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Trị dự kiến cấm tàu thuyền ra khơi chiều 5/10 và sáng 6/10. Tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch lúa vụ ba, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư đối phó với bão; tiến hành kiểm tra các công trình đê điều, hồ chứa nước, công trình đang thi công; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó. Sẵn sàng phương án di dời dân cư ven biển, ven sông suối, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét khi có bão, lũ.
Theo Báo cáo của cơ quan thường trực-Bộ Đội Biên phòng, đến 11h ngày 5/10, đã thông báo và hướng dẫn cho 50.256 tàu/251.913 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Neo đậu tại bến và hoạt động ven bờ đi về trong ngày từ Quảng Trị đến Phú Yên có 12.864 tàu/65.866 người; neo đậu, hoạt động ở các khu vực khác 37.386 tàu/185.960 người.
Các hồ chứa từ Quảng Bình đến Phú Yên và tỉnh Ninh Thuận hiện còn ở mức thấp, một số hồ cao hơn nhưng mới đạt 70-80% dung tích thiết kế. Các hồ khu vực Tây Nguyên và ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận đã tích nước từ 80-100% dung tích thiết kế; một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Cà Giây (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắc Lắc); 7 hồ đang xả điều tiết theo quy trình gồm: Cam Ranh (Khánh Hòa), Tân Giang (Ninh Thuận), Sông Sắt (Bình Thuận), Sông Quao (Bình Thuận), Cà Giây (Bình Thuận), Lòng Sông (Bình Thuận), Ayun Hạ (Gia Lai), Đắc Lô (Lâm Đồng). Các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường, riêng hồ Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 100m3/s. Khu vực Tây Nguyên (lưu vực các sông Sê San, Sêrêpốk) và khu vực Đông Nam Bộ (thuộc lưu vực sông Đồng Nai), nhiều hồ chứa đã đầy và đang xả để đảm bảo quy trình như: Pleikrong, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Srêpôk3, Srêpôk4, Đa Nhim, Đăk Tih, Đa Dâng 2 (tràn tự do), Sê San 4A (tràn tự do), Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Srol Phu Miêng.
Do bão số 7 còn diễn biến phức tạp, có thể mạnh lên và di chuyển nhanh hơn, Văn phòng Thường trực ban chỉ đạo PCLBTW yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn sớm xác định vùng nguy hiểm trên biển. Qua đó thông báo cho các chủ phương tiện biết để nhanh chóng di chuyển, tránh trú báo, mặt khác các tỉnh chưa cấm biển có căn cứ để quyết định cho phù hợp; tổ chức sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản neo đậu hoặc kéo lên bờ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão đổ bộ; tùy vào tình hình cụ thể, các tỉnh quyết định thời điểm di dời dân cư đến nơi an toàn.
Trước mắt, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa triển khai ngay việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa nhất là đối với khu vực ven biển và kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, lũ. Chỉ đạo bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân đi lại tại các ngầm tràn qua sông, suối, các đoạn đường giao thông có khả năng bị ngập sâu để bảo đảm an toàn đề phòng xảy ra mưa lũ lớn. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, nhất là đối với các hồ chứa, đê điều. Kiểm tra, rà soát phương án phòng chống lụt bão để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.
Văn Hào-Thanh Tuấn