Nằm bên dòng sông Hoài thơ mộng, Đô thị cổ Hội An như một viên ngọc quý giữa lòng Quảng Nam, lưu giữ vẻ đẹp cổ kính và bình yên xuyên suốt hàng thế kỷ. Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999, Hội An không chỉ là một bảo tàng sống của kiến trúc và lối sống đô thị mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây độc đáo.
Được hình thành và phát triển từ thế kỷ XVI, Hội An từng là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực. Từ thế kỷ XVI, các thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ và Tây Ban Nha đã đến đây giao thương hàng hóa. Chính vì vậy, những công trình kiến trúc và giá trị văn hóa của phổ cổ Hội An được hội tụ từ nhiều nền văn hóa Đông - Tây. Dấu ấn ấy còn in đậm trên từng mái ngói âm dương, từng con phố nhỏ hay những hội quán người Hoa mang kiến trúc tinh xảo.
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam), thành phố Hội An có hơn 1.400 di tích được kiểm kê phân loại, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Các di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ). Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng nhưng đó là sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục và sự đan quyện tài tình giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - phương Tây, góp phần tăng thêm tính phong phú, đa dạng văn hóa của Đô thị cổ Hội An.
Trái ngược với sự hiện đại hóa nhanh chóng của nhiều đô thị khác, Hội An tạo ấn tượng sâu sắc bởi những ngôi nhà mái rêu phong, tường vàng cổ kính và những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu. Bước chân vào khu phố cổ xinh đẹp này, ta có thể cảm nhận sâu sắc sự pha trộn đa dạng, đầy nghệ thuật và cổ kính bởi những dãy nhà san sát mang những nét đặc trưng kiến trúc của các nền văn hóa khác nhau.
Hội An không chỉ là bảo tàng sống lưu giữ giá trị kiến trúc cổ kính mà còn là một không gian văn hóa đầy sức sống. Những phong tục tập quán, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian như hát bài chòi, hò khoan trên dòng sông Hoài vẫn được gìn giữ, tô điểm thêm cho vẻ đẹp văn hóa độc đáo của phố Hội. Lang thang trên những con đường nhỏ, bạn dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với cao lầu, mì Quảng, cơm gà - những món ăn đặc sản thấm đẫm hồn quê xứ Quảng. Bên cạnh đó, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ bày bán sản phẩm từ các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, rau Trà Quế hay gốm sứ Thanh Hà cũng gợi nhớ về một Hội An từng là thương cảng sôi động, vừa cổ xưa, vừa đầy sức sống.
Khi màn đêm buông xuống, Hội An bừng sáng trong vẻ đẹp huyền ảo của hàng nghìn chiếc đèn lồng lung linh sắc màu. Đặc biệt, vào ngày 14 âm lịch hằng tháng, lễ hội đèn lồng biến phố Hội thành một bức tranh lộng lẫy, đầy màu sắc. Một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Hội An là thả đèn hoa đăng trên dòng sông Hoài thơ mộng. Những chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ mang theo ánh sáng dịu dàng từ đèn hoa đăng, đưa hy vọng và lời cầu chúc trôi theo dòng nước. Với người dân nơi đây, thả đèn không chỉ là một nghi thức đẹp mà còn là cách để xua tan muộn phiền, tìm về cảm giác bình an và hạnh phúc.
Với những giá trị độc đáo riêng có, Đô thị cổ Hội An được được Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1985, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2009 và được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1999.
Trong những năm qua, Hội An không ngừng khẳng định vị trí trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Số lượng du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Hội An tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm qua, minh chứng cho sức hút không thể cưỡng lại của di sản này. Năm 2019 (trước dịch COVID-19), Hội An đón 5,35 triệu lượt khách du lịch. Sau 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách đến Hội An đã dần phục hồi và đạt 4 triệu lượt vào năm 2023.
Hội An còn liên tục giành được các danh hiệu danh giá như "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á" (World Travel Awards), "Thành phố du lịch tuyệt vời nhất thế giới" (Travel + Leisure)... Tại Giải thưởng World's Best Awards 2024, Hội An đứng thứ 4 trong danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất thế giới và thứ 3 trong danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất châu Á…
Ngay từ khi được công nhận là Di sản Thế giới, nhiều chương trình bảo tồn quy mô lớn đã được thực hiện tại Đô thị cổ Hội An. Hiện nay, di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An được phân cấp quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia phối hợp của cả Trung ương, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An.
Công tác trùng tu di tích luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược bảo tồn. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, hơn 400 di tích đã được tu bổ với kinh phí vượt 150 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng. Riêng Dự án “Tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ” đã cứu nguy cho hàng trăm ngôi nhà cổ, giúp bảo toàn diện mạo phố Hội qua nhiều thế hệ.
Các di tích vật thể quan trọng như Chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký và các hội quán người Hoa đều được tu bổ, quản lý và bảo vệ chặt chẽ, gắn với các kế hoạch dài hạn nhằm bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị lịch sử. Chính quyền cũng triển khai ứng dụng công nghệ số trong việc lập hồ sơ quản lý, số hóa dữ liệu di tích để nâng cao hiệu quả giám sát và bảo tồn.
Bên cạnh các di tích vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng gìn giữ. Các lễ hội truyền thống như lễ hội đèn lồng, hát bài chòi được tổ chức thường xuyên, trở thành nét đặc trưng của vùng đất này. Những phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian vẫn được người dân gìn giữ qua từng thế hệ, mang đến sức sống cho di sản. Các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và rau Trà Quế không chỉ được khôi phục mà còn trở thành điểm đến du lịch văn hóa, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Cộng đồng dân cư đóng vai trò trung tâm trong việc bảo tồn Hội An. Chính người dân đã biến di sản thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, từ việc duy trì các ngôi nhà cổ đến phát triển du lịch xanh. Các chương trình như “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ” và chợ đêm đã trở thành điểm nhấn, vừa thu hút du khách, vừa quảng bá văn hóa.
Hội An đang hướng tới mô hình phát triển du lịch bền vững. Thành phố đã triển khai các sáng kiến như sử dụng xe điện trong khu phố cổ, giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế cũng đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ như xây dựng quỹ bảo tồn, tổ chức các hội thảo khoa học và chương trình đào tạo nâng cao nhận thức…
Dù vậy, Hội An vẫn đối diện với những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, khách du lịch trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong khu phố cổ và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ - du lịch đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa…
Trong bối cảnh đó, tháng 3/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Đề án nhấn mạnh nguyên tắc bảo tồn tính chân xác và toàn vẹn của di sản, đồng thời giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển một cách hài hòa. Mục tiêu là xây dựng Hội An trở thành một thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, vừa giữ gìn được bản sắc, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế từ di sản.
Đặc biệt, kế hoạch tập trung bảo vệ không chỉ khu phố cổ mà còn các làng nghề truyền thống, vùng ven sông Thu Bồn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Những yếu tố tự nhiên và văn hóa này được xem như lớp bảo vệ vùng đệm, giúp Hội An phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là hoàn thành 100% công tác tu bổ các di tích xuống cấp, lập hồ sơ khoa học đầy đủ cho tất cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tới năm 2035, Hội An mở rộng vùng bảo vệ di sản, bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của đô thị cổ.
Thành phố cũng đặt tham vọng trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái hàng đầu khu vực, với việc tích hợp công nghệ số vào quản lý và trải nghiệm du lịch. Đặc biệt, Hội An sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và bảo tồn di sản, mở rộng cơ hội quảng bá hình ảnh đến bạn bè năm châu.
Nhân kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản Thế giới (4/12/1999 - 4/12/2024), UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) ban hành kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm từ ngày 23/11 đến 4/12/2024, trong đó đáng chú ý có tọa đàm “Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An”, tọa đàm “Những dấu ấn trên chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đô thị cổ Hội An”; trưng bày ảnh “Di sản Văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An - 25 năm bảo tồn và phát huy”, hội thi “Chúng em với di sản”… Các hoạt động kỷ niệm nhằm đánh giá toàn diện kết quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới; ghi nhận nỗ lực bảo tồn di sản của hệ thống chính trị và nhân dân cùng sự hỗ trợ của bạn bè trong nước và quốc tế; tôn vinh, động viên các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân chung tay gìn giữ di sản văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá rộng các giá trị di sản văn hóa.
25 năm là một chặng đường dài với nhiều nỗ lực để giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Với sự chung tay của cộng đồng, chính quyền và bạn bè quốc tế, Hội An không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam, mà còn là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân loại. Vẻ đẹp vượt thời gian, sự giao thoa hài hòa giữa kiến trúc và văn hóa, cùng những nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đã giúp Hội An luôn tỏa sáng. Dù bạn đến đây lần đầu hay đã quay lại nhiều lần, Hội An vẫn luôn đem đến những cảm xúc khó quên, là nơi để mỗi người tìm thấy sự bình yên, hoài niệm và những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
Bài: Minh Duyên
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn
24/11/2024 06:10